Sẽ ban hành văn bản 'Sản xuất tại Việt Nam' ở cấp Thông tư
Bộ Công thương xem xét, quyết định ban hành văn bản 'Sản xuất tại Việt Nam' ở cấp Thông tư thay vì xây dựng Nghị định.
Quy định 'sản xuất tại Việt Nam' sẽ được Bộ Công thương ban hành ở cấp thông tư
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý kiến nghị của Bộ Công thương về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Bộ Công thương xem xét, quyết định ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản trái pháp luật (nếu có) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan.
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tư pháp; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Trước đó, vào năm 2020, Bộ Công thương có Tờ trình số 3513/TTr-BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Nghị định và giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định này.
Ngay sau khi Chính phủ giao cho Bộ Công thương nhiệm vụ về việc xây dựng Nghị định Quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Nghị định ‘sản xuất tại Việt Nam’, Bộ Công thương đã bắt tay ngay vào việc triển khai.
Đến tháng 9 năm 2020, Dự thảo lần 1 của đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” đã được Bộ Công thương đăng tải lên trang thông tin pháp luật và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương để lấy ý kiến theo quy định.
Bộ Công thương cho biết, cuối năm ngoái, Chính phủ đã ban hành nghị định số 111/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 43 về nhãn hàng hóa. Vì vậy đã cơ bản khắc phục những bất cập liên quan đến dán nhãn, các quy định về nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Nghị định 111, đã yêu cầu những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành.
Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.