Sẽ cấm lập quỹ sau vụ vận động viên bị bớt xén tiền thưởng

Trả lời đại biểu về vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định không có chuyện bao che, dung túng cho việc này và sẽ cấm lập quỹ VĐV.

Sẽ cấm lập quỹ kể cả vì mục đích tốt đẹp

Chiều 5/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Nêu vấn đề dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên (VĐV) thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn tỉnh Quảng Bình) cho rằng những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn tỉnh Quảng Bình).

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn tỉnh Quảng Bình).

Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho VĐV và huấn luyện viên.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên.

Chia sẻ trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mặc dù chỉ có 2 sự việc có tính chất cá biệt về tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và tiền của đội thể dục dụng cụ mà chủ yếu có phần liên quan đến Trung tâm thể thao Hà Nội và một phần đội tuyển trung tâm, nhưng "quả thực đây là điều nhức nhối của ngành".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Hùng cho biết ngay khi phát hiện, Bộ đã cương quyết xử lý và thực hiện phương châm của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định.

Qua xử lý, Bộ đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác điều tra, xử lý khi có dấu hiệu tội phạm. Nếu đủ điều kiện sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi không có chuyện bao che, dung túng cho việc này. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện", ông Hùng khẳng định.

Chia sẻ thêm tại nghị trường, ông cũng thừa nhận đã biết việc này hơi muộn và cần phải kiểm điểm. Lãnh đạo cấp trên cũng chậm nắm vấn đề vì việc này xảy ra ở đơn vị nhỏ.

Ông Hùng giải thích ban đầu khi hình thành quỹ ở đây với mục đích tốt đẹp, ví dụ như trong đội tuyển góp để thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, hiếu hỉ, hỗ trợ, bồi dưỡng thêm sau trận thi đấu…

"Mặc dù theo quy định của pháp luật là trái phép nhưng việc đó trên tinh thần tự nguyện, quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Nhưng trong vụ việc vừa rồi có sự lạm dụng và dẫn vào một người là huấn luyện viên nên có tiêu cực. Vừa qua, chúng tôi đã cho rà soát lại", ông Hùng nói.

Về giải pháp, ông Hùng nói trước hết bổ sung hoàn chỉnh quy định của Bộ về quản lý đội tuyển nêu cụ thể từng điều khoản. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

"Lâu nay vẫn có kiểm tra nhưng tập trung vào chất lượng đào tạo, còn nay tập trung về chế độ chính sách và công khai minh bạch", ông nói và nhấn mạnh ngay từ đầu phải thông báo cho các em biết chế độ tiền ăn/ngày, tiền thưởng là bao nhiêu. Cùng với đó, nghiêm cấm lập quỹ mặc dù có mục đích tốt đẹp.

Nỗi lo VĐV thất nghiệp sau khi giã từ sự nghiệp

Một số đại biểu khác đặt vấn đề nỗi lo chung của các VĐV là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, chỉ số ít làm việc liên quan tới thể thao nên nhiều VĐV từ bỏ đam mê.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho VĐV, đặc biệt là VĐV gặp chấn thương?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm về thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình).

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình).

Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ VĐV thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận có thực trạng như đại biểu nêu khi để giải quyết việc làm có tính căn cơ cho VĐV còn khó khăn.

Đó là trình độ đào tạo và nghề nghiệp của VĐV chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu, nghề nghiệp đó có thể chưa thích hợp với VĐV… Vì vậy, không phải người nào cũng vào các cơ quan sự nghiệp để làm việc và thi đấu.

Giải pháp về lâu dài, ông cho rằng cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; Đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho VĐV thể thao… tạo thuận lợi nhất cho họ yên tâm thi đấu, làm việc theo đúng sở trường lâu dài.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Ngay sau đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn tỉnh Gia Lai) dùng quyền tranh luận đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc sẽ nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách cho VĐV thể thao thì cụ thể sẽ là bao giờ?

Song Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có câu trả lời cụ thể, chỉ cho biết: "Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về chế độ ưu đãi về dinh dưỡng, về đào tạo, tuyển chọn, hướng nghiệp cho VĐV.

Nhiều VĐV đã trở thành các HLV tại các cơ sở công lập, được làm đúng chuyên môn khi giã từ sự nghiệp.

Tuy nhiên cũng nhiều VĐV có thể thông qua hình ảnh, thương hiệu của mình mở các CLB, dạy nghề để tạo thu nhập".

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/se-cam-lap-quy-sau-vu-van-dong-vien-bi-bot-xen-tien-thuong-192240605165703797.htm