Sẽ chế tài mạnh khi lan truyền thông tin xấu, độc

Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về 'Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng' với những quy định chặt chẽ nhằm khắc phục vấn nạn mạo danh, lừa đảo trực tuyến, lan truyền thông tin xấu, độc,... Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại bịa đặt, xuyên tạc nội dung nghị định này nhằm hướng lái dư luận vào thuyết âm mưu 'Chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp, tự kiểm duyệt trên mạng xã hội' (Việt Tân); 'Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam 'bị đóng kín' (RFI);…

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

“Tác oai, tác quái” bằng luận điệu sai lệch

Ngay sau khi Nghị định số 147 có hiệu lực thi hành ngày 25/12/2024, trên các trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân, Triều đại Việt, Hội anh em dân chủ, các hãng truyền thông thù địch như RFA, VOA, Chân trời mới Media, Người Việt News,... lập tức “ngậm máu phun người”.

Trong bài “Nghị định hà khắc về truyền thông xã hội có hiệu lực vào lễ Giáng sinh”, Đài RFA cho rằng: Nghị định số 147 là “bịt miệng, không cho dân bình luận”; còn Việt Tân thì độc địa hơn khi nhận xét “Như chiếc đinh đóng vào quan tài, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam”, “Nghị định số 147 và luật an ninh mạng vi phạm quyền con người và đe dọa tự do cá nhân”.

To mồm, lớn họng nhất có lẽ là tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch - HRW) khi “ngậm máu phun người”: “Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”.

Còn cái gọi là tổ chức “Những người vận động nhân quyền và lao động châu Á” (AHRLA) lại vu khống: “Việt Nam tấn công trắng trợn quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam, cho thấy mức độ tự do trên Internet ngày càng kém, tiến dần đến tình trạng ở Trung Quốc”.

Theo AFP, Nghị định số 147 được xây dựng dựa trên Luật An ninh mạng năm 2018, đã bị Mỹ, Liên hiệp châu Âu và giới bảo vệ quyền tự do Internet lên án, cho rằng Việt Nam “bắt chước lối kiểm duyệt hà khắc của Trung Quốc đối với Internet”.

Ngoài xuyên tạc, vu khống, các thế lực thù địch đều tiếc nuối một thời “tác oai, tác quái” nên đã bịa đặt cho rằng: Nghị định số 147 và các điều luật an ninh mạng của Việt Nam không chỉ không bảo vệ được người dân khỏi các mối đe dọa mạng mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, đặc biệt là quyền riêng tư, tự do ngôn luận.

Luật An ninh mạng trao quyền cho nhà nước kiểm duyệt nội dung trực tuyến, khiến các nền tảng số phải gỡ bỏ những thông tin “chống đối chính quyền”. Dưới cái mác bảo vệ an ninh quốc gia, các quy định này thực chất là công cụ kiểm soát, hạn chế quyền tự do và xâm phạm quyền con người.

Hết thời vô danh, vô trách nhiệm

Nghị định số 147, quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng đối với dịch vụ, tài nguyên Internet; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Nghị định cũng sẽ ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu, độc, bảo vệ thông tin người dùng, trên cơ sở đó để xây dựng và thúc đẩy một không gian số trách nhiệm, năng động và tích cực.

Nghị định cũng quy định cụ thể: Chỉ những người dùng mạng xã hội đã xác thực tài khoản bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được đăng tải và chia sẻ thông tin (viết bài, bình luận, livestream) trên các mạng xã hội, giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi “lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo, vi phạm pháp luật,…”.

Theo đó, các mạng xã hội có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin “vi phạm” trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước và trong vòng 48 giờ “kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng”.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ Internet, Nghị định số 147 đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong khi người dùng phải xác thực, chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin của mình thì các nền tảng cũng phải có những biện pháp bảo vệ thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu, bảo đảm lợi ích và sự an toàn cho khách hàng.

Sự cần thiết của nghị định số 147

Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do Internet trên cơ sở pháp luật. Với 70 triệu người sử dụng (đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng Internet), Internet nói chung và mạng xã hội đã trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet,... Tất cả những điều đó cho thấy bảo đảm tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở Việt Nam.

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật, Nhà nước cũng ban hành luật, các nghị định quy định quản lý, cung cấp thông tin và sử dụng Internet nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Ngăn chặn hành vi cấu kết, xúi giục chống Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động KT-XH, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;.../.

Cựu chiến binh Long An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/se-che-tai-manh-khi-lan-truyen-thong-tin-xau-doc-a192675.html