Sẻ chia cùng người nghèo
Dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, con giống, tặng quà,... là cách mà các cấp, các ngành thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và đồng hành, sẻ chia với người nghèo.
Cách đây 6 năm, anh Đỗ Thanh Mến (ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) ly hôn và nuôi 3 đứa con nhỏ. Ban ngày, anh gửi các con về nội để đi làm, tối đến lại rước con về. Dù cố gắng nhưng do không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập chủ yếu dựa vào việc làm thuê, làm mướn “ngày có, ngày không” nên cuộc sống của 4 cha con khá vất vả. Chia sẻ với hoàn cảnh này, xã đưa gia đình anh Mến vào danh sách hộ nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, xã còn huy động nguồn lực hỗ trợ máy rải giống, máy phun thuốc để anh Mến có phương tiện làm việc gần nhà và có thời gian chăm sóc các con.
Anh Mến chia sẻ: ““Gà trống nuôi con” vất vả, cũng nhờ gia đình và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, cha con tôi mới đỡ phần nào. Con trai lớn của tôi đã tốt nghiệp trung cấp nghề và có việc làm ổn định. Tôi chỉ còn lo cho 2 đứa con nhỏ. Cha con tôi cố gắng tích cóp tiền, hy vọng sẽ xây được căn nhà mới. Dự kiến cuối năm 2023, gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.
Hộ nghèo thuộc đối tượng người già sống neo đơn là một trong những trường hợp khó thoát nghèo nhất ở các địa phương. Mặc dù vậy, các cấp, các ngành vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những hoàn cảnh này. Cụ thể là trường hợp của bà Nguyễn Thị Tươi (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An). Bà Tươi sống một mình, không người thân chăm sóc. Thấy bà lớn tuổi, đi lại khó khăn, người hàng xóm thường xuyên nấu cơm, mang thức ăn cho bà. Chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm tặng quà, nhu yếu phẩm.
Bà Tươi tâm sự: “Tôi cũng có con nhưng các con đều nghèo và ở xa, không giúp đỡ được nhiều. Những năm qua, tôi sống nhờ tình cảm của hàng xóm, láng giềng và chính quyền địa phương. Họ thường lui tới động viên, chia sẻ và tặng quà, nhất là UBND xã còn cử cán bộ làm thủ tục để tôi được hưởng chế độ người cao tuổi”.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Những năm qua, tỉnh luôn thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo như tín dụng cho vay vốn; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ về y tế, giáo dục,... Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo về con giống, nhà ở,... Hàng năm, Sở yêu cầu các địa phương tổ chức khảo sát lập danh sách phân loại từng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nguyên nhân nghèo,... Từ các số liệu này, địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp và ban hành các quyết định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững phù hợp tình hình thực tế với quyết tâm không chạy theo thành tích, giảm tới đâu chắc tới đó, không để tái nghèo”.
Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của xã hội, Long An được xem là điểm sáng trong thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, hộ nghèo của tỉnh còn 0,99%, cận nghèo 2,29%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, xây dựng vùng quê đáng sống./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/se-chia-cung-nguoi-ngheo-a158027.html