Sẻ chia khó khăn với phụ nữ yếu thế

Phụ nữ yếu thế ở Thái Nguyên, vì các lý do khác nhau, đều gặp khó khăn trong cuộc sống và họ luôn mong muốn được vươn lên. Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã quan tâm động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ yếu thế rèn luyện, phát huy khả năng của mình.

Chị Nguyễn Thị N. đã vượt qua mặc cảm, mạnh dạn tham gia các hoạt động truyền thông để góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán người.

Chị Nguyễn Thị N. đã vượt qua mặc cảm, mạnh dạn tham gia các hoạt động truyền thông để góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán người.

13 tuổi, chị Nguyễn Thị N., ở xã Bản Ngoại (Đại Từ), đã bị một người quen bỏ thuốc mê, lừa bán cho người đàn ông ở vùng nông thôn Trung Quốc. Dù đã trốn về Việt Nam được gần 5 năm, nhưng chị N. vẫn chưa nguôi nỗi sợ hãi, tuyệt vọng mỗi khi nhớ lại quãng thời gian nhiều năm đó.

Chị tâm sự: Lúc mới trở về, tôi rất mặc cảm, luôn thấy buồn và cô đơn, ngại tiếp xúc với những người xung quanh, không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự gần gũi, động viên của các hội viên phụ nữ, dần dần tôi bớt mặc cảm và có ý chí vươn lên. Đến nay, tôi đã học hết văn hóa phổ thông, mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ sự bảo lãnh của Hội Phụ nữ xã để đầu tư trồng chè, chăn nuôi gà để có thu nhập ổn định, nuôi được con ăn học.

Chị N. là một trong số nhiều trường hợp phụ nữ bị mua bán trở về được các cấp hội phụ nữ tỉnh giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Các chị em bị mua bán sang Trung Quốc trở về là những phụ nữ yếu thế do bị tổn thương và gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Để giúp đỡ những phụ nữ này, chúng tôi đã chủ động rà soát, tiếp cận, sau đó phân loại các trường hợp, tìm hiểu hoàn cảnh để có hướng hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chúng tôi quan tâm chỉ đạo các cấp hội, nhất là cán bộ hội ở cơ sở cần gần gũi, giúp đỡ, động viên để chị em vươn lên trong cuộc sống, nhiệt tình tham gia các hoạt động hội, xóa bỏ mặc cảm.

Bên cạnh nhóm phụ nữ bị mua bán từ Trung Quốc trở về, đối với các phụ nữ yếu thế khác, như: Phụ nữ khuyết tật, nghèo, đơn thân; phụ nữ bị bạo hành; bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh..., các cấp hội cũng có nhiều giải pháp để quan tâm hỗ trợ phù hợp theo đặc thù của từng nhóm đối tượng.

Theo đó, đối với phụ nữ bị khuyết tật, các cấp hội triển khai các mô hình nhóm tự lực, nâng cao năng lực, kiến thức, giúp chị em hòa nhập tốt với cuộc sống, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Những chị em bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh cũng được các cấp hội dành sự quan tâm đặc biệt như tặng quà, hỗ trợ ngày công lao động...

Cán bộ Hội Phụ nữ thăm hỏi, tặng quà chị Quách Thị Mừng, phụ nữ đơn thân, bị bệnh nan y, ở tổ dân phố Tràng Học, thị trấn Đu (Phú Lương).

Cán bộ Hội Phụ nữ thăm hỏi, tặng quà chị Quách Thị Mừng, phụ nữ đơn thân, bị bệnh nan y, ở tổ dân phố Tràng Học, thị trấn Đu (Phú Lương).

Đối với phụ nữ nghèo, Hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động vay vốn ưu đãi, tiết kiệm, dạy nghề, hỗ trợ ngày công lao động, hình thành các mô hình kinh tế tập thể để tạo việc làm ổn định cho chị em.

Trong năm 2023, các cấp hội tiếp tục hoạt động ủy thác cho hội viên vay vốn với dư nợ hơn 3,3 nghìn tỷ đồng cho trên 82 nghìn lượt hội viên vay; đồng thời vận động các nguồn lực hoàn thành hỗ trợ xây mới 22 nhà Mái ấm tình thương, sửa chữa 2 nhà với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng giúp đỡ các hội viên phụ nữ yếu thế.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn tập trung triển khai các đề án, dự án, chương trình; thực hiện tốt cuộc vận động “An toàn cho phụ nữ, trẻ em"; xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ. Tại các xã/phường/thị trấn, hiện có gần 700 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” để tư vấn và hỗ trợ các chị em là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình.

Với những hoạt động thiết thực đó, năm 2023, toàn tỉnh có trên 6,7 nghìn hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội phụ nữ các cấp giúp đỡ. Kết thúc năm 2023 có 734 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo và cận nghèo (vượt 234 hộ so với chỉ tiêu). Trong năm, các cấp hội đã quan tâm động viên, hỗ trợ về kinh tế và giải quyết các thủ tục pháp lý cho trên 1,7 nghìn phụ nữ yếu thế. Những hoạt động đa dạng, thiết thực của Hội đã tiếp thêm động lực, giúp phụ nữ yếu thế vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội của địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202401/se-chia-kho-khan-voiphu-nu-yeu-the-cde005d/