Sẻ chia trong hoạn nạn

Chỉ khi có mặt ở những điểm nóng của đợt lũ lần này - đợt lũ lụt mà cả người dân và cơ quan chức năng đều đánh giá đã vượt cơn đại hồng thủy năm 1979 và 1999 - chúng tôi mới thấy mức độ tàn phá kinh khủng của nó.

Khi lũ vừa bắt đầu hoành hành ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng là lúc chúng tôi rời trụ sở Báo Người Lao Động nhanh chóng lên đường, những mong đến được các điểm ngập để hỗ trợ bà con trong lũ, san sẻ nỗi đau thiên tai.

Trên chiếc ôtô của chúng tôi chỉ kịp chuẩn bị 4 túi thực phẩm để sử dụng cho những ngày ở vùng lũ nhưng cũng phải dừng chân lại, san sẻ cho một xóm nghèo gần sân bay Phú Bài. Thấy có đồ tiếp tế, một bé trai 10 tuổi từ bên trong nhà nhảy ùm xuống nước, bơi hết tốc lực để tiếp cận chúng tôi. Nhận lấy túi thực phẩm, cháu bé để lộ ra những ngón tay nhăn nheo do ngâm nước quá nhiều. Sau đó, một bé gái do không bơi thạo đã ôm thân cây chuối ra để xin thêm phần quà. Chúng tôi hỏi sao không nhờ người lớn ra nhận thực phẩm, cháu bé đáp: "Mẹ con bị sốt do nhiễm nước. Con thay mẹ ra nhận". Dứt lời, cô bé lại hụp lặn giữa dòng nước quay ngược trở về nhà.

Vừa đến TP Huế, loay hoay tìm chỗ nghỉ ngơi giữa bốn bề ngập nước, chúng tôi lại nghe tin tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình nước dâng cao. Lập tức, một nhóm ở lại Huế, nhóm còn lại lên đường tiếp cận các điểm ngập mới. Thời điểm này Báo Người Lao Động bắt đầu triển khai chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung.

Ngày đầu có mặt tại huyện Hải Lăng - địa bàn bị thiệt hại nhất tại tỉnh Quảng Trị, tuyến đường ĐT64 đã biến thành sông. Những đợt sóng bổ vào nhau, nếu tiếp tục đi vào chắc chắn sẽ có chuyện chẳng lành. Chúng tôi đành lùi về TP Đông Hà tạm nghỉ.

Sáng 20-10, chúng tôi cùng nhóm từ thiện tiếp cận vào bên trong địa bàn xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Thêm một lần nữa bất thành bởi mưa to gió lớn, xung quanh nước lũ càng lúc càng dâng cao. Ba tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 vào trung tâm xã Hải Dương bị nước chia cắt hoàn toàn. Tại Quốc lộ 49C, xe máy một số người suýt bị dòng nước chảy xiết kéo đi. Mọi hoạt động tiếp cận tạm ngưng. Nỗi lo bắt đầu hiện diện khi bên trong vẫn còn hàng trăm hộ ngóng chờ sự chung tay từ mọi người.

Hai đứa trẻ tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị chia nhau gói mì để ăn trong cảnh nước ngập. Ảnh: LÊ PHONG

Hai đứa trẻ tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị chia nhau gói mì để ăn trong cảnh nước ngập. Ảnh: LÊ PHONG

Thử cách khác, chúng tôi trở lại đường ĐT64 nhưng lúc này, mực nước còn dâng cao hơn. "Nếu đi xuồng thì cũng bị cuốn trôi. Giờ chỉ có sợi dây nối hai bên bờ để chuyển hàng vào thì may ra" - anh Tú (một người dân ở đầu đường ĐT64) nói.

Một lần nữa lại thất hẹn với bà con. Khi biết được tình hình, đầu dây bên kia, anh Võ Thành Trí (45 tuổi, người bị nước cô lập) trấn an: "Mấy chú vất vả rồi. Tụi tôi cầm cự được. Nhà tôi còn 2 thùng mì tôm. Nước rút bớt, tôi qua 4 hộ hàng xóm chia cho mỗi người một ít. Cỡ đó ăn cũng được 5 ngày". Nói đoạn, anh Trí gợi ý cho chúng tôi: "Hay mấy chú mang quà qua xã Hải Thành hoặc xã Hải Thiện (huyện Hải Lăng). Ở đó ngập trắng hết rồi". Nghe xong, chúng tôi và nhóm từ thiện quay đầu xe ngược về địa chỉ được hướng dẫn.

Khi có mặt tại xã Hải Thiện, rất nhiều người dân tỏ ra mừng rỡ. "Hơn 5 ngày bị nước chia cắt. Tụi tôi ăn cầm chừng, không dám ra ngoài vì sợ nước lũ cuốn trôi" - một cụ bà 75 tuổi nói. Tại đây, một nhóm tình nguyện phân phát thực phẩm trên tuyến đường ĐT582. Hình ảnh một cháu bé sau khi nhận phần quà, liền về trước hiên nhà, gọi các bạn nhỏ tới chia nhau từng miếng mì gói, ăn ngon lành. Cũng tại xã Hải Thiện, khi đoàn cứu trợ mang hàng chục hộp cơm đến, ông Trần Vĩnh Khang (75 tuổi) ngâm mình dưới nước để kêu gọi hàng xóm ra nhận. Mấy ngày ngâm nước khiến các ngón chân của ông Khang bị mủn trắng, có kẽ nứt.

Khi chúng tôi khuyên ông lên điểm cao ráo bôi thuốc rồi đi kêu gọi dân làng sau, ông xoa tay: "Để tôi lội vào sâu kêu mấy hộ ở xa ra mà nhận, bà con đói lắm rồi".

Trong lúc phát quà, chúng tôi lại nhận thêm một cuộc gọi mới từ Tòa soạn Báo Người Lao Động: "Ngày mai anh em phóng viên đi sớm ra Quảng Bình. Nơi đó đang cần chúng ta, bằng mọi cách chuyển quà và tiền giúp đỡ bà con sớm nhất, cần thiết nhất...".

Trong những lúc khó khăn nhất, người dân miền Trung vẫn luôn sẻ chia, nhường cơm sẻ áo cho nhau.

Xem danh sách bạn đọc và các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua Báo Người Lao Động tính đến ngày 20-10-2020 tại đây.

Lê Phong - Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/se-chia-trong-hoan-nan-2020102023233925.htm