SẺ CHIA VÀ TRÁCH NHIỆM

Mới sáng ra, anh Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi gọi điện báo với tôi: '120 bộ võng xếp của chúng tôi đã có mặt ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Có võng, anh chị em phục vụ công tác cách ly dịch Covid-19 ở đây sẽ có những giấc ngủ sâu hơn”. Nghe anh Lợi nói, tôi cảm thấy xao xuyến trong lòng. Xao xuyến, trân trọng không phải về giá trị vật chất của mỗi bộ võng, mà là vì sự sẻ chia, yêu thương và trách nhiệm của mọi người đối với nhau trong giai đoạn khó khăn này.

Những ngày cao điểm chống dịch, chúng ta còn được biết nhiều câu chuyện cảm động, đầy tinh thần trách nhiệm và sẻ chia đối với cộng đồng. Đó là chuyện Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), dù đã 95 tuổi vẫn miệt mài tham gia may khẩu trang phòng, chống dịch. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi, 92 tuổi (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), góp 5 triệu đồng tiền tiết kiệm; là chuyện các cháu nhỏ gom hết tiền lì xì Tết của mình đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; là những thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ LLVT không quản vất vả ngày đêm điều trị, cứu chữa những người bị nhiễm bệnh, phân loại, cách ly, kiểm soát và phục vụ người dân ở các điểm cách ly... Những hình ảnh đẹp ấy khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng, góp phần cổ vũ, động viên nhau quyết tâm đẩy lùi và dập tắt dịch bệnh.

 Ảnh minh họa/qdnd.vn.

Ảnh minh họa/qdnd.vn.

Bên cạnh những câu chuyện, những hình ảnh yêu thương, sẻ chia và đầy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, còn có không ít việc làm, hình ảnh không đẹp, thiếu sự chung tay trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đó là những trường hợp trốn cách ly, khai báo không trung thực, phản ứng cực đoan hay đòi hỏi quá đáng ở nơi phân loại và cách ly tập trung. Đó là những người chấp hành không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, quy định của chính quyền địa phương về việc phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, công sở; không tụ tập đông người; không được mở hàng quán ăn uống tại chỗ trong những ngày cao điểm chống dịch; tụ tập cả gần 1.000 người cúng lễ khi đã có lệnh cấm... Những việc làm đó không chỉ gây khó khăn, tốn kém cho xã hội mà còn thiếu đi sự chia sẻ, yêu thương và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Hiện nay, chưa thể tính hết được những thiệt hại về mọi mặt do dịch Covid-19 gây ra ở nước ta cũng như trên thế giới. Nhưng nếu không có sự yêu thương và sẻ chia lớn, không có tinh thần trách nhiệm cao thì thiệt hại sẽ khôn lường. Chúng ta đều hiểu, khi một người dương tính với virus SARS-CoV-2 thì gia đình, khu dân cư, những người tiếp xúc với họ sẽ phải cách ly... kèm theo đó là cần nhiều người phục vụ cho việc điều trị, cách ly và chi phí cho những việc này cũng không hề nhỏ.

Chúng ta không hề muốn thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhưng trong giai đoạn khó khăn này, xã hội rất cần sự yêu thương, sẻ chia và tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức chính trị-xã hội và người dân. Chỉ cần một việc làm nhỏ, một cử chỉ chia sẻ, yêu thương sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội. Những tình cảm và ý chí ấy góp phần cổ vũ, động viên mọi người yêu thương, đoàn kết trong gia đình, xã hội, chung sức, chung lòng để chiến thắng dịch bệnh và đưa xã hội phát triển. Vì thế, càng trong khó khăn, thử thách thì càng phải yêu thương, chia sẻ nhiều hơn. Đó không chỉ là đạo lý mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm lịch sử.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/se-chia-va-trach-nhiem-613918