Sẻ chia với nạn nhân chất độc da cam

Đất nước thống nhất tròn 50 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình có người khuyết tật do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Ông Trịnh Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Tuy Hòa trao 30 triệu đồng của bạn đọc Báo Phú Yên và nhóm Thiện Tâm Tuy Hòa giúp gia đình anh chị Tâm-Ly (phường 7, TP Tuy Hòa). Ảnh: KIM LIÊN

Ông Trịnh Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Tuy Hòa trao 30 triệu đồng của bạn đọc Báo Phú Yên và nhóm Thiện Tâm Tuy Hòa giúp gia đình anh chị Tâm-Ly (phường 7, TP Tuy Hòa). Ảnh: KIM LIÊN

Nhằm xoa dịu nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu, các cấp hội nạn nhân da cam trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ sinh kế, giúp các gia đình này vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng xoa dịu nỗi đau da cam

Ông Lê Văn Thìn (75 tuổi, ở thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, bị nhiễm chất độc da cam và mất 45% sức khỏe. Rời quân ngũ, ông về lại quê nhà và bén duyên với cô gái làng Cao Thị Hảo rồi sinh được một cô con gái nhưng bị khuyết tật khi mới lọt lòng. Hơn 33 năm qua, Lê Thị Kim Thoa, con gái ông bà vẫn như một đứa trẻ, khờ khạo, mọi sinh hoạt, ăn uống đều do cha mẹ chăm sóc. Nay hai vợ chồng tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hồ Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hòa Mỹ Đông cho hay vì hoàn cảnh gia đình ông Thìn rất đặc biệt, nên mỗi khi có nguồn hỗ trợ, địa phương đều ưu tiên, nhất là trong các dịp lễ, tết. Cách đây 4 năm, hội đã tặng gia đình ông một con bò giống trị giá 17 triệu đồng, đến nay trong chuồng có 3 con. “Gia đình tôi rất biết ơn các cấp hội. Từ ngày có bò để nuôi, vợ chồng tôi vui hẳn. Tôi trồng vạt cỏ sau nhà, chăm sóc bò mau lớn, sinh sản, rồi bán bớt lấy tiền trang trải cuộc sống”, ông Thìn bộc bạch.

Mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình và trao 30 triệu đồng giúp anh Phạm Trung Tâm (khu phố Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) có chi phí lo cho 2 con trai Phạm Tiến (16 tuổi) và Phạm Thiên Bảo (14 tuổi) đều bại liệt nằm một chỗ do di chứng chất độc da cam.

Chiến tranh lùi xa đã nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau vẫn đè nặng lên những gia đình không may có con cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của từng gia đình, họ luôn và rất cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng và toàn xã hội.

Bà Võ Thị Hồng Trà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7 cho biết cả ông nội và ông ngoại của hai cháu Tiến - Bảo đều là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Các con của hai ông đều bình thường, nhưng đến thế hệ các cháu thì bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam. Anh Tâm ở nhà chăm con, 5 năm nay anh bị trầm cảm dẫn đến thần kinh không ổn định. Vợ anh là chị Khánh Ly hàng ngày bán nước mía mưu sinh. Hoàn cảnh khó khăn này cũng là “Địa chỉ cần giúp đỡ” đã được Báo Phú Yên phản ánh với tiêu đề “Nỗi đau da cam giữa lòng thành phố”. Ban công tác Xã hội - Từ thiện Báo Phú Yên đã kết nối với bạn đọc và nhóm Thiện Tâm Tuy Hòa phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin TP Tuy Hòa trao 30 triệu đồng sẻ chia khó khăn với gia đình anh Tâm; đồng thời kết nối với nhóm Nụ cười hạnh phúc, Quỹ Tim ấm, Thiện Tâm Phú Yên, Xứ Nẫu TV trao hỗ trợ tiền, quà hằng tháng.

Mặc dù năm nay đã sắp bước sang tuổi 80 nhưng hằng ngày bà Phan Thị Xuân (ở thôn Phú Ân, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) vẫn phải vất vả chăm sóc cậu con trai đã 36 tuổi Lê Gia Hưng bị bại não, liệt toàn thân do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chồng bà Xuân là thanh niên xung phong, bị nhiễm chất độc này và truyền sang cho con, ông đã qua đời. Hôm đến nhận số tiền 3 triệu đồng do Báo Phú Yên kết nối với bạn đọc hỗ trợ và Bếp Thiện Tâm (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) hỗ trợ lương thực, thực phẩm hằng tháng, bà Xuân xúc động bày tỏ: “Tôi chân thành biết ơn Báo Phú Yên, Bếp Thiện Tâm và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ mẹ con tôi thường xuyên. Còn sống ngày nào là tôi cố gắng chăm sóc cho con ngày đó”.

Không chỉ 3 gia đình trên, mà hàng ngàn gia đình có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh cũng được các tổ chức, hội nhóm, cá nhân, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi, trao tiền quà… giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Bác sĩ CKII Phạm Hữu Luôn, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khám bệnh, cấp thuốc cho nạn nhân da cam phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM LIÊN

Bác sĩ CKII Phạm Hữu Luôn, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khám bệnh, cấp thuốc cho nạn nhân da cam phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM LIÊN

Nhiều hoạt động thiết thực

Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, năm 1961, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học của đế quốc Mỹ đã rải xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam, trong đó khoảng 60% là chất độc da cam. Cả nước có gần 5 triệu người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng Phú Yên hiện có 11.380 người bị khuyết tật do phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, 5.731 người được hưởng chế độ trợ cấp cho nạn nhân, số còn lại hưởng bảo trợ xã hội của Nhà nước. Họ là những người đau yếu, các thế hệ con, cháu bị dị dạng, dị tật không tự lực trong sinh hoạt nên cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, vất vả.

Trong 4 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin 26 con bò sinh sản và hỗ trợ sinh kế cho 38 hộ (10 triệu đồng/hộ); xây dựng 5 nhà Tình thương; tặng 160 chiếc xe đạp; trao hơn 6.000 suất quà và khám bệnh, cấp thuốc cho 1.000 người với tổng trị giá hơn 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội cơ sở ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ sửa chữa 43 nhà ở, cấp 230 suất học bổng, 1.600 suất trợ cấp khó khăn, tặng 250 xe lăn và hàng ngàn suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chiến tranh lùi xa đã nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau vẫn đè nặng lên những gia đình không may có con cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của từng gia đình, họ luôn và rất cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng và toàn xã hội.

KIM LIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/toa-soan-ban-doc/202504/se-chia-voi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-9c75380/