Sẻ chia yêu thương
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, việc làm mang ý nghĩa nhân đạo cao cả, đem lại hiệu quả tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Nhóm thiện nguyện Thanh Thủy trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam tại huyện Thanh Thủy.
Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với anh Bùi Văn Duy- giáo viên Trường THPT Thanh Thủy, Phó trưởng Nhóm thiện nguyện Thanh Thủy về cuộc hành trình mang niềm vui, sẻ chia yêu thương đến với những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.Phóng viên: Tập hợp đông đảo những tấm lòng nhân ái, chung tay vì cộng đồng, nhóm thiện nguyện Thanh Thủy được thành lập như thế nào, thưa anh?
Anh Bùi Văn Duy: Nhóm thiện nguyện Thanh Thủy được thành lập năm 2017. Năm đó, tôi cùng một vài người bạn tham gia chương trình cứu trợ tại Mường La, tỉnh Sơn La. Kết thúc chương trình chúng tôi có ngồi bàn với nhau thành lập nhóm thiện nguyện để tổ chức được nhiều chương trình nhân đạo, từ thiện với quy mô rộng hơn, được tổ chức bài bản hơn. Sau bốn năm hoạt động từ 10 thành viên ban đầu, đến nay đã có 150 thành viên tham gia nhóm, thành viên cao tuổi nhất là 70 tuổi và có khá đông các học sinh là tình nguyện viên.
Phóng viên: Kể từ khi thành lập đến nay, nhóm đã có rất nhiều chương trình thiện nguyện trong và ngoài tỉnh, hiện nay nhóm đang duy trì những hoạt động thường xuyên nào?
Anh Bùi Văn Duy: Như mình vừa chia sẻ, với việc không ngừng tăng lên về số lượng, hoạt động của nhóm cũng đa dạng và thực hiện ở nhiều địa bàn hơn. Hiện nay nhóm thiện nguyện đang duy trì chương trình phát cơm miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy vào chủ nhật hàng tuần. Công việc này duy trì đã được ba năm. Các dịp kỷ niệm, ngày lễ trong năm và dịp Tết Nguyên đán, nhóm tổ chức thăm, tặng quà cho các CCB, thương bệnh binh, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo. Vào đầu năm học mới tổ chức trao học bổng cho học sinh khó khăn, con em các gia đình chính sách.
Phóng viên: Được biết, đối tượng mà nhóm thiện nguyện hướng tới là các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trong đó nhiều hoạt động dành cho nạn nhân chất độc da cam?
Anh Bùi Văn Duy: Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đa số nạn nhân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Hàng năm, vào dịp Kỷ niệm 30/4, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán, nhóm đều tổ chức các chương trình dành cho nạn nhân chất độc da cam của huyện Thanh Thủy và Tam Nông. Vừa qua, Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, nhóm đã tổ chức kêu gọi ủng hộ tổ chức thăm, tặng 50 suất quà tại Thanh Thủy và 20 suất quà tại Tam Nông. Trong ngày 26/7, ngoài chương trình phát cơm miễn phí, nhóm còn tặng 15 suất quà cho CCB, nạn nhân chất độc da cam hiện đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy.
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cảm xúc đọng lại sau mỗi chuyến đi thăm tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam?
Anh Bùi Văn Duy: Trước đây qua các phương tiện thông tin đại chúng đọc nhiều, xem nhiều về hoàn cảnh của các nạn nhân chất độc da cam thực sự tôi rất xúc động. Nhưng mỗi chuyến đi, được trực tiếp gặp gỡ mới thấy hết được những khó khăn, vất vả, những nỗi đau kéo dài đến mấy thế hệ của các gia đình. Từ những cảm xúc như thế, chúng tôi muốn mỗi một chương trình là sự tri ân đối với những mất mát, sự hy sinh của những nạn nhân cho nền hòa bình độc lập của dân tộc, góp phần chia sẻ, lan tỏa yêu thương, động viên các gia đình vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Phóng viên: Kỷ niệm nào đối với nạn nhân chất độc da cam mà anh nhớ nhất?
Anh Bùi Văn Duy: Kỷ niệm thì có rất nhiều, bởi mỗi chuyến đi đều mang nhiều cảm xúc. Nhưng trường hợp nạn nhân Chu Viết Bảo, khu 2, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy khiến mình nhớ mãi. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ những năm 1963-1964 ở Tây Ninh. Bị ảnh hưởng chất độc da cam, nỗi đau thể xác chưa vơi thì nỗi đau tinh thần đè nặng lên người cha khi chứng kiến con mình cũng bị di chứng. Nhưng khắc phục khó khăn, hai vợ chồng ông vẫn vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy các con trưởng thành, chăm sóc người con bị bệnh tật. Nghị lực, sự lạc quan của ông bà đã truyền cảm hứng cho các thành viên. Đặc biệt, trong các chương trình thiện nguyện có khá đông các tình nguyện viên là học sinh. Được trực tiếp chứng kiến, được nghe những câu chuyện lịch sử từ nhân chứng là cách giáo dục truyền thống cho các em hiệu quả nhất. Qua đó giúp các em có những nhận thức, tư tưởng sống tích cực, biết sẻ chia, trân trọng sự hy sinh mất mát của cha ông đi trước.
Phóng viên: Qua những chia sẻ của anh, không chỉ với đối tượng nạn nhân chất độc da cam, hoạt động của nhóm còn trải đều ở nhiều nhóm đối tượng khác. Vậy dự định trong thời gian tới của nhóm như thế nào?
Anh Bùi Văn Duy: Ngay từ khi thành lập, tôn chỉ mục đích của nhóm thiện nguyện Thanh Thủy dựa trên tinh thần tự nguyện. Hàng tháng các thành viên tự nguyện đóng góp vào quỹ hoạt động. Đến các chương trình cụ thể, nhóm vận động quyên góp từ các đơn vị, các nhà hảo tâm. Qua bốn năm hoạt động, những người đồng hành cùng chúng tôi tăng lên rất nhiều và mỗi chuyến đi thiện nguyện chúng tôi đều mời các nhà hảo tâm tham gia cùng. Để có được niềm tin đó, các hoạt động của nhóm đều công khai, minh bạch. Mỗi chương trình đều liên hệ làm việc và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Có như vậy, nhóm thiện nguyện mới duy trì được bền chặt. Dự định sắp tới của nhóm vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động thường xuyên, vận động ủng hộ để xây dựng các nhà tình nghĩa cho gia đình người có công, hộ neo đơn. Mỗi thành viên đều cố gắng để có thêm nhiều những chương trình thiện nguyện có ý nghĩa, lan tỏa yêu thương đến nhiều người.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202108/se-chia-yeu-thuong-178642