Sẽ có cơ chế khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất
Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện còn nhiều tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với người nông dân. Như việc định giá đất, hiện nay khung giá đất chưa điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Trong bối cảnh chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương dẫn đến quy mô sản xuất nông nghiệp hộ rất thấp, sản xuất manh mún.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang lấy ý kiến đóng góp vào việc xây dựng một số nghị định liên quan đến đất nông nghiệp, bổ sung quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định.
Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện còn nhiều tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với người nông dân. Như việc định giá đất, hiện nay khung giá đất chưa điều chỉnh phù hợp với thị trường. Thêm vào đó, khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân còn thiếu, đồng thời những thủ tục thẩm định dự án cho doanh nghiệp đang rất phức tạp.
Một thực trạng khác khá phổ biến là mặc dù ruộng đất manh mún song doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để đầu tư thì không dễ dàng đạt được sự đồng thuận từ số lượng lớn hộ dân. Và, chỉ cần vài hộ không tạo thuận lợi thì dự án của doanh nghiệp cũng dừng.
Thêm vào đó, ông Quang cũng cho hay, quy định pháp lý còn đang thiếu các hướng dẫn về thẩm định nhu cầu sử dụng đất (không phải dự án đầu tư) và thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường. Mặt khác, một vấn đề tồn tại lâu nay và nan giải là tình trạng thiếu quỹ đất công cùng chính sách tạo nguồn cung đất nông nghiệp.
“Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh rất gay gắt với các hàng rào phi thuế quan đang lên cao như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tổ chức sản xuất quy mô lớn”, ông Quang nêu vấn đề. Nhà nước cũng có chủ trương, chính sách khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất nhưng thực tế quá trình này diễn ra rất chậm. Nhu cầu ruộng đất cho sản xuất rất cao nhưng khuôn khổ pháp lý chưa thực sự thuận lợi.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nghị định về đất đai nhằm thúc đẩy thị trường, quá trình tích tụ, tập trung đất đai để nó trở thành nguồn lực tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nông thôn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), qua quá trình triển khai thi hành các Nghị định nêu trên, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần phải được tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm tính khả thi đi vào cuộc sống của hệ thống các quy phạm pháp luật về đất đai.
Báo cáo “Nội dung cơ bản của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” của Bộ NN&PTNT, tình trạng tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn tại nhiều địa phương.
Nguyên nhân do việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất (nhất là đối với trường hợp trong khu vực dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý), đồng thời chưa có quy định để xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao. Ngoài ra, một số nội dung pháp luật về đất đai hiện chưa có quy định điều chỉnh.
Chính vì vậy, Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp sẽ làm rõ những quy định đã có trong Luật Đất đai. Đồng thời, Nghị định còn quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định. Nghị định đề xuất nhiều điểm mới.
Đó là, UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp, sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp.