Sẽ có đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mới được thông qua đã mở rộng đối tượng, bao gồm cả dân sự tham gia lực lượng này.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026

Thông tin tại buổi họp báo về Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 26/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (Luật số 92/2025/QH15). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: Hải Linh

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: Hải Linh

Luật được kết cấu 5 chương, 27 điều, quy định rõ về vị trí, chức năng, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn; lĩnh vực và hình thức tham gia của các đối tượng tham gia làm nhiệm vụ tại Liên Hợp Quốc; quản lý nhà nước; xây dựng lực lượng; chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành.

Luật cũng quy định về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng; tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo lực lượng; về chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế và ngày truyền thống của lực lượng.

Mở rộng đối tượng tham gia lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế

Trả lời thông tin các cơ quan truyền thông quan tâm tại buổi họp báo, Thượng tướng Hoàng Văn Chiến cho biết, trong 11 năm qua, kể từ ngày 27/5/2014, những sĩ quan đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam xuất hiện ở phái bộ, đến nay, chúng ta đã cử được khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên đi tham gia các hoạt động theo hai loại hình là cá nhân và đơn vị. Những đối tượng này đều thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Về loại hình cá nhân, tham gia ở các vị trí quan sát viên, hậu cần, y tế và các nhiệm vụ liên quan đến an sinh xã hội tại địa bàn. Loại hình đơn vị, hiện nay đã có các bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh. “Tới đây, Bộ Công an cũng sẽ cử lực lượng tham gia lực lượng cảnh sát của Liên Hợp Quốc”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho hay.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng cho biết, lực lượng dân sự mở ra trong Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là những chuyên gia và nhân sự trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông và kể cả về pháp lý. Nhưng lực lượng này phải đáp ứng được các tiêu chí của Liên Hợp Quốc và các cấp có thẩm quyền của Việt Nam.

"Nguồn nhân lực của Việt Nam không thiếu, với Luật được phê duyệt sẽ mở hành lang pháp lý để triển khai mạnh mẽ hơn việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế", Thượng tướng Hoàng Văn Chiến nhấn mạnh.

Vấn đề chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho hay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, khó khăn, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ ở xa tổ quốc có rất nhiều rủi ro, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng.

Từ năm 2016, đã có Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162 về chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Mới đây nhất, tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Nghị định số 47, bổ sung một số chế độ chính sách đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Thông tư số 32 cùng với Bộ Công an xây dựng thông tư để đảm bảo chế độ chính sách cơ bản và có những yếu tố đặc thù, thu hút và vượt trội so với lại các lực lượng làm ở trong nước. “Điều này đã thể hiện sự quan tâm và đáp ứng đời sống và yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng làm nhiệm vụ ở Liên Hợp Quốc”.

Sau khi Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được thông qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị triển khai phổ biến quán triệt luật này. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị, phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng nghị định của chính phủ, đảm bảo các chế độ, tiêu chuẩn cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trên cơ sở đúng chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Đồng thời, có những chế độ chính sách ưu tiên đặc thù, vượt trội, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và với quy định của Việt Nam.

Ngày 27 tháng 5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/se-co-doi-tuong-dan-su-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-410174.html