Sẽ có 'Làng thơ lục bát' tại Bắc Giang !
Những ngày cuối năm Tân Sửu, ai cũng cũng hối hả và bận rộn. Ấy vậy mà chúng tôi đã có được cuộc hẹn với anh Nguyễn Đại Lượng – Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang): 'Mời các anh đến tòa nhà 10 tầng cơ quan huyện vừa xây xong nhé!' Cuối tuần mà lãnh đạo huyện vẫn trực văn phòng ư?
Thảo nào mà chỉ sau vài năm, vùng quê đã sinh ra danh sĩ Thân Nhân Trung - người có câu nói nổi tiếng để đời: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" lại phải triển sôi động đến thế! Và sau cuộc trò chuyện của chúng tôi, ý tưởng về “Làng Thơ Lục Bát” trên vùng đất ven sông Cầu này càng lớn dần lên, với nhiều dự cảm nhân văn và độc đáo…
Đã là người Việt thì không ai không thuộc một vài câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới này, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi con người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê. Đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội!
Còn nhớ, tại buổi gặp mặt báo chí do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức nhân dịp đầu năm mới 2020; sau khi chúng tôi trình bày và đề xuất về việc Bắc Giang xây dựng hồ sơ di sản, đồng thời tổ chức Lễ hội Lục Bát thường niên để có thêm một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và hấp dẫn; Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch đối với một số kiến nghị, đề xuất của các nhà báo: “Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Việt Yên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam nghiên cứu, lựa chọn một làng Quan họ để xây dựng Làng Thơ Lục Bát, đề nghị UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể…”. Và chúng tôi về Việt Yên cũng không ngoài mục đích đó!
“Làng Thơ Lục Bát” – một ý tưởng độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc
Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau.
Từ ngày 6/8 năm Kỷ Sửu – 2009, một Lễ hội độc đáo mang tên Lục Bát đã được cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam phối hợp với một số cơ quan Báo chí – Truyền thông tổ chức liên tục 11 năm ở Hà Nội và một số tỉnh thành, trong đó có Bắc Giang, bằng kinh phí xã hội hóa. Lễ hội Lục Bát có hàng ngàn người tham dự, với nhiều nghi thức đặc trưng: Rước Thơ, Dâng hương Thơ và Phát Lộc Thơ trên sân khấu (tập thơ Lục Bát tự chọn hằng năm mang tên Lộc Phát gắn với 12 con giáp), đọc Chúc văn… với sự tham gia của các cao tăng nhà Phật. Tiếp đó, là việc thi sắp đặt trưng bày Lục Bát quán (thực chất là trưng bày các sản vật văn hóa của các vùng miền) và thi trình diễn Thơ Lục Bát với trang phục dân tộc, thời trang dân tộc (kể cả yếm đào, váy đụp)…
Thực tế đã chứng minh: Lễ hội Lục Bát rất độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút sự chú ý không chỉ của Người yêu thơ, mà đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước; hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch. Đến với Lễ hội Lục Bát, ai cũng được thể hiện, được tham gia một cách dễ dàng, tự nhiên và thoải mái. Thông qua việc “Phát lộc” Thơ Lục Bát trên sân khấu, sau khi ấn phẩm đã được tâm linh hóa qua Lễ Rước Thơ, Dâng hương Thơ… việc xã hội hóa kinh phí cũng thực hiện khá thuận lợi, nếu chính quyền địa phương biết các tổ chức bài bản và khoa học.
Trong Ngày Hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phối hợp với Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học mang tên “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”. Tại Hội thảo này, GS.TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản Bộ VHTTVDL, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã kết luận: Thơ Lục Bát xứng đáng được xây dựng Hồ sơ công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia, và tiến xa hơn nữa là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Vấn đề là chọn địa phương nào đủ điều kiện. Ví dụ, chúng ta có thể khảo sát một làng xã cổ ở tỉnh Bắc Giang để làm hồ sơ?
Nếu được lựa chọn, thì Việt Yên rất xứng đáng có “Làng Thơ Lục Bát”!
Trước khi trở thành nhà quản lý, anh Nguyễn Đại Lượng Chủ tịch UBND huyện Việt Yên từng có gần 20 năm gắn bó với ngành giáo dục; trưởng thành từ một thầy giáo dạy Toán, từng nhiều năm làm Hiệu trưởng, Phó Văn phòng Huyện ủy, Trưởng Phòng Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện… Hiếm có cán bộ thế hệ 7X nào ở Bắc Giang lại am hiểu nhiều về văn hóa truyền thống như thế. Anh Lượng không chỉ là người đã trực tiếp tham gia làm hồ sơ, thuyết trình để Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được xác lập kỷ lục và công nhận là Bảo vật Quốc gia; mà còn tâm đắc với ý tưởng xây dựng “Làng Thơ Lục Bát” và tổ chức "Lễ hội Lục bát" ở Việt Yên. Đặc biệt cuối năm 2021, để “tiếp sức” cho tác giả “Lục bát mỗi ngày” anh Lượng đã dùng tiền riêng, mua ủng hộ nguyên giá bán lẻ 100 cuốn sách, để tặng cho các thầy, cô giáo tiêu biểu và lãnh đạo chủ chốt của huyện Việt Yên, trong dịp 20/11/2021…
Từ 2 năm nay, trước khi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, anh Nguyễn Đại Lượng đã lặng lẽ khảo sát, nghiên cứu việc xây dựng hồ sơ để Lục Bát trở thành Quốc thi và Di sản Văn hóa phi vật thể, theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang.Chúng tôi nhận thấy Việt Yên có rất nhiều lợi thế trong việc tổ chức xây dựng hồ sơ di sản Quốc gia cho Thơ Lục Bát. Bởi huyện có rất nhiều những làng cổ, nhân dân vẫn duy trì lễ hội văn hóa dân gian, đặc biệt là hát dân ca Quan họ (lời ca từ Quan họ phần lớn là Thơ Lục Bát); đặc điểm này, rất phù hợp với tiêu chí về xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia cho Lục Bát từ làng xã cơ sở.
Lễ hội nói chung thường được làng xã tổ chức vào mùa Xuân, nhưng riêng Lễ hội Lục Bát (6/8 âm lịch) lại diễn ra vào mùa Thu. Với bầu trời trong xanh, không khí se lạnh và những đêm trăng sáng thi vị, nhiều làng quê ở Bắc Giang vẫn giữ phong tục làm đèn ông sao và thả diều sáo. Có thể kết hợp Lễ hội Lục Bát để tổ chức thi thư pháp Lục Bát, thi thiết kế chế tạo đèn ông sao, có trao giải để thu hút khách du lịch. Mỗi mùa Lễ hội Lục Bát cũng có thể lấy nội dung Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà và cả những bài thơ mới về tình yêu quê hương đất nước, để in trên giấy gió và “phát lộc” cho khách thập phương…
Được biết, những năm gần đây Việt Yên là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Bắc Giang. Tỷ trọng công nghiệp chiếm tới 78% và nguồn thu chiếm 58% GDP của cả tỉnh. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế đang khảo sát và dự tính đầu tư. Lãnh đạo huyện chủ trương đề xuất xây dựng những khu đô thị dịch vụ, chứ không chỉ là dân sinh. Muốn phát triển kinh tế bền vững, thì phải chú trọng môi trường văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển kinh tế không thể tách rời văn hóa, bởi văn hóa chính là một động lực tích cực cho kinh tế và xã hội phát triển. Và “Làng Thơ Lục Bát” là một ý tưởng độc đáo, mang tính khả thi cao!
Hà Nội, Xuân Nhâm Dần - 2022
Đ.V.H
Lục bát Việt Nam
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/se-co-lang-tho-luc-bat-tai-bac-giang-a15029.html