Sẽ có nghiên cứu riêng về ngập lụt, sạt lở ở Đà Lạt
Dành sự quan tâm đặc biệt với TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trăn trở 'không nên để du khách có cảm giác bất an khi tới Đà Lạt' bởi ngập lụt, sạt lở; sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ có nghiên cứu riêng để giải quyết những vấn đề trên cho thủ phủ du lịch vùng Tây Nguyên.
Thông tin trên được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc ngày 8/8, sau khi kiểm tra tình hình sạt lở tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá, Lâm Đồng phát triển khá nhanh, cơ cấu nông nghiệp lớn (37%), do đó địa phương cần tính toán lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào phát triển nông nghiệp. Đồng thời Lâm Đồng cần sớm tổ chức hội nghị để nhận định tình hình, đưa ra giải pháp lâu dài về vấn đề lũ quét, sạt lở vì là một trong những địa phương có nhiều vụ sạt lở. Đồng thời sớm xây dựng bản đồ sạt trượt chính xác tới từng điểm có nguy cơ sạt lở.
“Trước mắt tỉnh cần phân loại 163 điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở để xử lý sớm trên tinh thần tính mạng, tài sản của người dân là quan trọng nhất, nếu gặp vướng mắc, địa phương báo cáo lên Trung ương”, ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, riêng với TP Đà Lạt là thành phố du lịch nhưng đang gặp phải những vấn đề bất thường, không nên để du khách có cảm giác bất an với Đà Lạt. Sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ cùng các chuyên gia có nghiên cứu riêng cho Đà Lạt về giải quyết ngập lụt, sạt lở: “Bộ sẽ chủ động, có nghiên cứu riêng về Đà Lạt. Đà Lạt hiện cứ mưa là ngập lụt, vậy thoát lũ thế nào? Thứ hai là sạt trượt đất cũng cần tính toán lại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Đối với tình trạng sạt lở ở hồ Đông Thanh, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu đẩy nhanh việc khảo sát, khoan thăm dò mở rộng để đánh giá nguy cơ sạt trượt, biết được sạt trượt sâu tới đâu, dịch chuyển ra sao: “Khung trượt ở khối thượng lưu đang có chiều hướng mở rộng, hai khối trượt cách nhau chưa tới 100m nếu chập lại tạo thành khối lớn rất nguy hiểm”, ông nói, đồng thời đề nghị tiếp tục tăng cường các điểm quan trắc, quan trắc dày điểm và vùng thân đập để kịp thời đánh giá nguy cơ.
“Bằng mọi cách phải làm chậm lại tốc độ dịch chuyển của khối trượt, cần hạ tải trước rồi tính toán phương án thoát nước ngầm, nước mặt, dẫn dòng chảy cho đợt mưa sắp tới… Đơn vị thi công cũng cần rà soát lại công tác thi công trên công trường”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.