Sẽ có nhiều cơn mưa lớn đặc biệt trong mùa mưa 2024

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy. Ảnh: K.Liễu

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy. Ảnh: K.Liễu

Trong tuần qua, mưa lớn kèm theo sấm sét liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơn mưa như trút nước gây ngập cục bộ, nhất là ở các khu vực đô thị. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm 2024, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết:

Về mức độ phổ biến, tổng thể thì có thể nói mùa mưa tại Đồng Nai bắt đầu từ ngày 20-5. Do địa bàn tỉnh khá rộng và trải dài nên có nơi mùa mưa bắt đầu sớm hơn, cũng có nơi mùa mưa bắt đầu muộn hơn. Hiện tượng mưa lớn đặc biệt tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh. Trong cơn mưa thường xuất hiện dông lốc, gió giật mạnh, sét..., người dân cần lưu ý đề phòng.

* Dự báo mùa mưa năm nay sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?

- Mùa mưa năm nay bắt đầu muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian kết thúc mùa mưa cũng muộn hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo sẽ kết thúc vào cuối tháng 11-2024.

Từ đầu mùa đến hết tháng 6-2024, lượng mưa sẽ ít hơn khoảng 5-10% so với trung bình nhiều năm, từ tháng 7 đến cuối mùa mưa, lượng mưa sẽ nhiều hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%. Tổng lượng mưa trong mùa mưa cũng như lượng mưa toàn năm 2024 sẽ nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

* Liệu có xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường trong mùa mưa hay không, ông có lưu ý gì với người dân nhằm phòng tránh?

- Đầu mùa mưa, cũng như sau những ngày giảm mưa mà xuất hiện mưa trở lại, trước và trong cơn mưa thường kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sét và mưa đá. Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm này thường xảy ra trên phạm vi hẹp, xuất hiện rất nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn, vì vậy rất khó dự báo cho khu vực cụ thể.

Do đó, người dân nên chủ động lưu ý để phòng, gia cố, sửa chữa, tu bổ, chằng chống nhà xưởng, mái hiên, biển quảng cáo, chuồng trại, cây cối có giá trị… Trong khi tham gia giao thông cũng như sinh hoạt, lao động sản xuất mà xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kể trên thì nên lựa chọn nơi tránh, trú phù hợp, tránh những rủi ro phát sinh ngoài ý muốn. Khi có sét, không nên tiếp tục làm việc ở những nơi đồng trống, gần mặt nước, gần cửa sổ và các vật thể bằng kim loại. Khi có mưa kèm theo đông lốc, không trú mưa dưới các gốc cây to, mái hiên không vững chắc, tránh xa các công trình đang xây dựng… để đảm bảo an toàn.

Đường Nguyễn Ái Quốc (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) bị ngập sau cơn mưa lớn ngày 20-5. Ảnh: Đăng Tùng

Đường Nguyễn Ái Quốc (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) bị ngập sau cơn mưa lớn ngày 20-5. Ảnh: Đăng Tùng

* Vì sao gần đây Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai liên tiếp phát thông tin cảnh báo lũ ở các địa bàn trong tỉnh?

- Năm nay, mùa khô kéo dài, hầu như không có mưa trái mùa. Khi bước vào mùa mưa, những ngày gần đây đã xuất hiện những cơn mưa to đến rất to trong thời gian khá ngắn với cường độ lớn, diễn ra cục bộ tại một số địa bàn.

Điển hình như các cơn mưa vào ngày 18-5 tại các trạm Biên Hòa mưa 99mm; ngày 19-5, tại Bình Sơn (huyện Long Thành) mưa 146mm; ngày 20-5, tại Biên Hòa mưa 95mm, Bình Sơn 121mm; ngày 28-5, tại Đak Lua (huyện Tân Phú) mưa 117mm, Định Quán 84mm, Cẩm Mỹ 58mm, Phước Bình 53mm...

Mưa rất to, nước không kịp thoát đã gây ngập lụt cục bộ, nhất là ở các khu vực đô thị. Trải qua thời gian dài hầu như không mưa, trên bề mặt đất, vỉa hè dọc theo các tuyến đường lắng đọng một lượng lớn đất cát, lá cây, cành cây nhỏ, bao ny-lông, hỗn hợp các loại rác... Khi mưa đặc biệt lớn, lượng nước quá nhiều đã tạo nên dòng chảy, chảy dọc theo các tuyến đường, nhất là những nơi địa hình có độ dốc, cuốn đi đất cát, lá cây, cành cây nhỏ, hỗn hợp các loại rác trên đường đi của nó, tràn vào các miệng cống, vướng vào các miệng cống, làm tắt nghẽn hệ thống thoát nước, gây ra ngập lụt cục bộ. Thực tế có thể thấy, qua những cơn mưa to vào ngày 18 và 20-5 tại thành phố Biên Hòa đã gây ngập ở một số tuyến đường và các khu vực trũng thấp.

Ngoài ra, mưa lớn bất thường cũng gây nguy cơ ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có độ dốc lớn, địa chất thiếu ổn định ở một số địa phương thuộc các huyện miền núi Tân Phú và Định Quán.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngoài các bản tin cảnh báo mưa dông, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai thường phải phát hành các bản tin cảnh báo ngập lụt trên địa bàn tỉnh, cùng với các bản tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất ở miền núi để phục vụ kịp thời và tốt hơn công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Người dân cần chú ý hiện tượng mưa đặc biệt lớn thường xảy ra cục bộ trong những năm gần đây, gây ngập những khu vực trũng thấp, dâng cao mực nước tại các sông suối nhỏ, gây nguy hiểm cho giao thông tại những khu vực này, gây thiệt hại tài sản cho người dân sinh sống tại khu vực ven sông suối nhỏ” - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai NGUYỄN PHƯỚC HUY khuyến cáo.

* Từ nay đến cuối năm 2024, diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra như thế nào, có ảnh hưởng nhiều đến Đồng Nai hay không?

- Từ nay đến cuối tháng 6-2024, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Từ tháng 7 đến 12-2024, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (10-12 cơn hoạt động trên Biển Đông, 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta) và có khả năng tập trung nhiều vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa.

Từ tháng 7 đến tháng 9, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc; từ khoảng tháng 9 đến tháng 12, sẽ ảnh hưởng đến miền Trung và khu vực phía Nam.

Phần lớn các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ít ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Đồng Nai, nhưng hoàn lưu của bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng gián tiếp tùy mức độ bão, áp thấp nhiệt đới mạnh hay yếu, gây mưa nhiều cho địa bàn tỉnh khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202405/se-co-nhieu-con-mua-lon-dac-biet-trong-mua-mua-2024-f225426/