Sẽ có quy chuẩn mới về lốp hơi dùng cho xe ô tô
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô (sửa đổi, bổ sung QCVN 34:2017/BGTVT).
Bổ sung nhiều quy định về kiểu loại lốp
Theo dự thảo Quy chuẩn đang được lấy ý kiến, lốp hơi dùng cho ô tô được phân làm 3 loại theo kiểu loại nhóm xe sử dụng.
Trong đó, lốp loại C1là loại lốp được thiết kế chủ yếu cho các nhóm xe ô tô con, ô tô tải có khối lượng toàn bộ lớn nhất không lớn hơn 3.500 kg; sơ-mi rơ-moóc và rơ-moóccó khối lượng toàn bộ không lớn hơn 0,75 tấn và có khối lượng toàn bộ lớn hơn 0,75 tấn đến 3,5 tấn.
Lốp loại C2là lốp được thiết kế chủ yếu cho các nhóm xe ô tô khách có khối lượng toàn bộ không lớn hơn 5 tấn, ô tô khách có khối lượng toàn bộ lớn hơn 5 tấn, ô tô tải, sơ-mi rơ-moóc và rơ-moóccó khối lượng toàn bộ lớn hơn 3,5 tấn đến 10 tấn và có khối lượng toàn bộ lớn hơn 10 tấn. Và được xác định bằng chỉ số khả năng chịu tải ở dạng đơn thấp hơn hoặc bằng 121 và ký hiệu cấp tốc độ cao hơn hoặc bằng "N".
Lốp loại C3 là lốp được thiết kế chủ yếu cho các nhóm xe như lốp C2 nhưng được xác định bởi chỉ số khả năng chịu tải ở dạng đơn lớn hơn.
Phân loại theo sử dụng, dự thảo Quy chuẩn quy định có: Lốp thông thường, lốp đi trên tuyết, lốp sử dụng đặc biệt, lốp dự phòng sử dụng tạm thời; bỏ lốp đa năng so với Quy chuẩn cũ.
Trong đó, lốp thông thường là lốp được thiết kế chủ yếu để sử dụng trên đường thông thường.
Lốp đi trên tuyết là lốp có kiểu hoa lốp, kết cấu hoặc kết cấu hoa lốp được thiết kế chủ yếu để đạt được hiệu quả tốt hơn trong điều kiện bùn hoặc tuyết so với lốp thông thường xét về khả năng khởi động và kiểm soát chuyển động của xe.
Lốp sử dụng đặc biệt là loại lốp dành cho mục đích sử dụng hỗn hợp cả trên đường thông thường và địa hình hoặc cho các đường đặc biệt khác. Những lốp này được thiết kế chủ yếu để khởi động và duy trì xe chuyển động trong điều kiện địa hình.
Lốp dự phòng sử dụng tạm thời là lốp khác so với lốp thông thường được lắp trên xe và chỉ sử dụng tạm thời trong thời gian ngắn với những điều kiện lái đặc biệt.
Lốp dự phòng sử dụng tạm thời kiểu T là một loại lốp dự phòng sử dụng tạm thời có áp suất danh định cao hơn của lốp tiêu chuẩn sử dụng cho cùng loại xe.
Lốp chạy không hơi hoặc lốp tự đỡ mô tả cấu trúc của lốp được cung cấp một giải pháp kỹ thuật (ví dụ như thành bên được gia cố) cho phép lốp khi được lắp với vành phù hợp và trong trường hợp không có bất kỳ bộ phận bổ sung nào, có thể đảm bảo chức năng cơ bản của lốp cho xe chạy được tối thiểu ở tốc độ 80 km/h và quãng đường 80km khi vận hành ở chế độ lốp chạy không có hơi.
Lốp gia cường là lốp được thiết kế để tăng khả năng chịu tải ở áp suất bơm hơi lớn hơn so với khả năng chịu tải của lốp tiêu chuẩn tương ứng ở áp suất bơm hơi tiêu chuẩn.
Dự thảo quy chuẩn bổ sung quy định về lốp EMT, là loại lốp có cấu trúc mành hướng tâm, được lắp với vành phù hợp và không có bất kỳ bộ phận bổ sung nào, đáp ứng các chức năng cơ bản của lốp ở tốc độ 80 km/h và quãng đường 80 km khi vận hành ở chế độ lốp chạy không có áp suất hơi
Trong đó, lốp dự phòng, lốp chạy không hơi, lốp gia cường, lốp EMT chỉ áp dụng với các nhóm lốp loại C1.
Dự thảo Quy chuẩn còn bổ sung thuật ngữ về chức năng cơ bản của lốp, là khả năng bình thường của lốp trong việc chịu một tải trọng nhất định với một tốc độ nhất định và truyền lực dẫn động, lực lái và lực phanh xuống mặt đường.
Đồng thời, bãi bỏ các quy định thuật ngữ về: bong mép lốp, bong lớp đai, dập nứt, bong tầng cao su trong, hở mối nối, bong thành bên, tốc độ trống thử, tốc độ lốp, tốc độ lớn nhất, trống thử, bộ phận gia tải lên lốp.
Quy định rõ nội dung trong tài liệu kỹ thuật lốp hơi ô tô
Theo dự thảo Quy chuẩn, lốp sản xuất, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phụ tùng xe cơ giới.
Tài liệu kỹ thuật về lốp hơi dùng cho ô tô cần có các nội dung, như: Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;Tên thương hiệu/nhãn hiệu;Mô tả thương hiệu/tên thương mại;Số loại;Ký hiệu thiết kế/Ký hiệu sản phẩm;Ký hiệu kích cỡ lốp;Loại sử dụng; Cấu trúc lốp;Mô tả sự liên hệ giữa tải trọng và tốc độ;Mô tả sự liên hệ giữa tải trọng và tốc độ bổ sung.
Ngoài ra, cũng cần thể hiện rõ các thông tin như:Lốp là loại không hoặc có sử dụng săm;Lốp tiêu chuẩn hoặc gia cường;Vành sử dụng để lắp lốp;Vành đo kích thước và thử tính năng tải trọng/tốc độ, độ bền; Chỉ số áp suất;Áp suất đo kích thước;Áp suất thử tính năng tải trọng/ tốc độ, độ bền;Hệ số X;Nhiệt độ thử;Loại lốp (loại C1, C2, C3);Lốp EMT hay không.
Mặt khác, bản vẽ phải thể hiện được các kích thước chính ở điều kiện đo kích thước lốp, vị trí tương ứng của các ký hiệu có trên hai thành bên của lốp và hình ảnh hoa lốp.
Đối với yêu cầu về mẫu thử, phải có 2 mẫu cho mỗi kiểu loại lốp cần thử nghiệm, đã được lắp đầy đủ cả vành, săm (nếu là lốp có sử dụng săm) phù hợp với loại lốp đăng ký thử nghiệm.