Sẽ có quy định riêng với xe chở học sinh

Tại dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô đang được Bộ GTVT lấy ý kiến đã đề xuất quy định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường riêng với xe chở học sinh.

Xe chở học sinh phải phủ màu vàng đậm, có biển báo nhận diện

Theo đó, tại Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT) quy định, ngoại quan của xe chở học sinh phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học.

Tại dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung QCVN 09:2015, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định yêu cầu an toàn kỹ thuật riêng đối với xe buýt chở học sinh (ảnh minh họa).

Tại dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung QCVN 09:2015, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định yêu cầu an toàn kỹ thuật riêng đối với xe buýt chở học sinh (ảnh minh họa).

Mã xe chở học sinh phải được đánh số và được đặt ở các vị trí: hai bên thân xe, phía đằng trước, đằng sau xe.

Biển hiệu phải có tính năng phản quang hoặc sử dụng đèn led điện tử, có hình vuông theo kích thước 350mm x 350mm hoặc hình tròn có đường kính 350mm.

Mặt sau xe phải có biển báo điện hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Biển hiệu có kích thước chiều cao 150mm ±10 mm và chạy ngang theo chiều ngang cửa sổ kính sau.

Quy chuẩn cũng yêu cầu xe chở học sinh không sử dụng xe buýt 2 tầng và xe buýt có khớp nối ở giữa làm xe chở học sinh. Không được có các lỗ ở bên trong và bên ngoài xe, các chỗ lồi, lõm, các góc sắc nhọn, các khuyết tật có thể dễ dàng lọt vào ngón tay của trẻ em và có thể gây thương tích cho học sinh.

Về ghế ngồi của học sinh, quy chuẩn quy định không được bố trí thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe.

Tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cho biết, QCVN 09:2015/BGTVT đến nay đã áp dụng được 8 năm, phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng ATKT&BVMT đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Đặc biệt, với sự phát triển của Việt Nam và nhu cầu của xã hội đã phát sinh ra nhiều kiểu loại phương tiện giao thông mới chưa được đề cập trong quy chuẩn này, trong đó có xe buýt học sinh, do đó cần bổ sung để đáp ứng thực tiễn của Việt Nam về nhu cầu sử dụng loại phương tiện này.

Đối với xe chở học sinh có ghế được bố trí từ hàng thứ hai trở đi và được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm. Ngoài ra, xe chở học sinh phải được lắp đặt rào chắn phía trước và rào chắn phía sau để có cấu trúc an toàn khi va chạm; không lắp đặt giá để hành lý bên trên mà sẽ bố trí khoang để hành lý ở bên ngang xe sao cho chiều cao của khoang hành lý từ mặt sàn lên nhỏ hơn 1,0 m.

Đối với bậc lên xuống của xe chở học sinh phải được lắp tay vịn ở cửa hành khách và không được có phần nhô ra hoặc gờ trên tay vịn có thể gây thương tích cho học sinh.

Khu vực hành khách của xe chở học sinh dành cho học sinh phải có cấu trúc sàn phẳng và không có bậc, phần gồ lên trên sàn ngoại trừ các cấu trúc cục bộ nâng lên như nắp bánh xe.

Bên cạnh đó, lối thoát hiểm phải được mở từ bên trong hoặc bên ngoài và phải có khóa để đáp ứng việc sơ tán hoặc cứu hộ ra bên ngoài xe trong các tình huống khẩn cấp.

Nếu có một cửa sập trên nóc xe, cửa này phải được bố trí ở giữa xe; trường hợp có hai cửa thoát hiểm khẩn cấp thì khoảng cách giữa hai cạnh giáp nhau phải có khoảng cách tối thiểu là 2m. Cửa thoát hiểm khẩn cấp và cửa sổ thoát hiểm khẩn cấp không được bố trí phía trên cửa thoát khí, cũng như cửa sổ thoát hiểm khẩn cấp không được bố trí phía trên biển báo dừng.

Đặc biệt, xe chở học sinh phải bố trí lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt. Vị trí lắp đặt hộp sơ cứu phải đảm bảo chắc chắn trong quá trình xe di chuyển. Các công tắc cảnh báo khẩn cấp phải được lắp đặt ở các vị trí dễ quan sát và dễ dàng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

Xe chở học sinh phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn. Vị trí lắp đặt của bình chữa cháy cần được đánh dấu rõ ràng, dễ dàng tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp. Khoang hành khách phải được bố trí ít nhất một bình chữa cháy có khối lượng ít nhất 2kg gần chỗ ngồi của quản lý học sinh và một bình gần chỗ ngồi của lái xe.

Dự thảo quy chuẩn cũng đề xuất xe chở học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe (ảnh minh họa).

Dự thảo quy chuẩn cũng đề xuất xe chở học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe (ảnh minh họa).

Có camera giám sát lái xe, học sinh

Đáng chú ý, quy chuẩn còn quy định xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe.

Cùng đó, phải có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Đặc biệt phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h, đối với xe buýt là các loại xe BEV, HEV, PHEV, FCEV sử dụng động cơ chạy điện phải có công suất không nhỏ hơn 9,0 kW/t.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/se-co-quy-dinh-rieng-voi-xe-cho-hoc-sinh-192240116170301481.htm