Sẽ có tới 800 công dân Việt Nam mắc kẹt ở Myanmar được đưa về nước
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thống kê được hơn 800 người là công dân Việt Nam đủ điều kiện để đưa về nước trong đợt này. Các công dân sẽ được chia thành nhiều nhóm để đưa về, trong đó nhóm đầu tiên gồm 338 người đã về nước an toàn.
Toàn bị chi phí do Chính phủ chi trả
Ngày 4/12, đã có 338 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại khu vực giao tranh phía Bắc Myanmar được đưa về nước an toàn.
Nhiệm vụ do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong nước cùng các nước đối tác thực hiện, nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng của công dân. Toàn bộ chi phí đưa công dân về nước được Chính phủ chi trả.
Trong bối cảnh tình hình Myanmar hiện tiếp tục xảy ra giao tranh và có nhiều diễn biến phức tạp đe dọa an toàn tính mạng công dân Việt Nam tại khu vực này, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chính quyền sở tại và các nước đối tác đưa công dân về nước.
Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thống kê được hơn 800 người là công dân Việt Nam, được cấp giấy tờ đi lại và đủ điều kiện để đưa về nước trong đợt này. Các công dân sẽ được chia thành nhiều nhóm đưa về nước và nhóm đầu tiên về đến Việt Nam ngày 4/12.
Phần lớn công dân là thanh niên trẻ (trong đó có cả thiếu niên, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai) ra nước ngoài làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến ở các bang phía Bắc Myanmar, bị chủ lao động bỏ rơi và bị mắc kẹt do giao tranh giữa lực lượng quân đội Myanmar và các dân tộc thiểu số ở khu vực này.
Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc "nhẹ lương cao", không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động…
Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng… trước khi quyết định việc xuất cảnh ra nước ngoài.
Công dân Việt Nam còn mắc kẹt hoặc cần giúp đỡ đề nghị liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998.
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; +84 965 41 11 18. Email: baohocongdan@gmail.com.
Thị trấn nằm giữa 2 trung tâm chính trị có nguy cơ thất thủ
Tình hình xung đột tại Myanmar đang vô cùng căng thẳng. Nhóm nổi dậy "Quân giải phóng quốc gia Karen" (KLNA) và các đồng minh "kháng chiến" tiếp tục tấn công các vị trí của quân đội và cảnh sát chính quyền quân sự Myanmar ở thị trấn Mone thuộc vùng Bago.
Lực lượng nổi dậy Myanmar đã tấn công các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ 599 và 590 cùng đồn cảnh sát và một cây cầu ở thị trấn Mone kể từ ngày 2/12.
Một thành viên của Lực lượng phòng vệ nhân dân Bago cho biết, quân đội chính phủ đã tiến hành không kích và pháo kích thị trấn, đồng thời điều thêm quân tới đây.
Mone nằm cách thủ đô Naypyitaw 172km về phía Nam và nằm cách thành phố Yangon 241km về phía Tây Bắc. Nếu thất thủ, đây sẽ là thị trấn đầu tiên giữa 2 trung tâm chính trị của chính quyền quân sự Myanmar bị quân nổi dậy chiếm được.
Đây cũng là lần đầu tiên KNLA nỗ lực chiếm một thị trấn của vùng Bago.
Phía KNLA cho hay, kể từ ngày 2/12, đã có 32 cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự nhằm vào Mone.
Chính quyền quân sự Myanmar cũng đã cắt đứt mọi liên lạc của Mone do đó cư dân thị trấn đang bị kẹt lại ở bên trong.
Người dân địa phương cho hay, quân đội chính phủ cũng oanh tạc các ngôi làng ở khu vực Waw và Kyaukkyi trong đó có một bà cụ 84 tuổi tại thị trấn này đã thiệt mạng, nhiều ngôi nhà, phòng khám ở thị trấn Kyaukkyi bị phá hủy.
Về phía quân đội chính phủ Myanmar, theo báo New Light of Myanmar, lãnh đạo quân sự Myanmar ông Min Aung Hlaing đã kêu gọi các nhóm dân tộc có vũ trang hãy giải quyết vấn đề một cách "chính trị". Thống tướng Min Aung Hliang cảnh báo, nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục hành động thì dân thường ở các khu vực liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các nhóm vũ trang này cần quan tâm đến cuộc sống, đời sống của dân dân và các tổ chức cần giải quyết vấn đề của mình theo hướng chính trị.