Sẽ cương quyết điều chuyển, hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn ODA, vốn đầu tư công; sẽ cương quyết xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả.

Sẽ cương quyết điều chuyển nguồn vốn ODA nếu không sử dụng hiệu quả

Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vào chiều nay (9/6), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã có câu hỏi chuyển đến Phó Thủ tướng.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ODA năm 2021 là rất thấp, chỉ đạt 32,85% dự toán. Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc cắt giảm bội chi ngân sách trung ương chủ yếu do cắt giảm từ nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân phải hủy dự toán lên đến 29,1 nghìn tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua. Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bài liên quan

Giải ngân vốn đầu tư công tăng dần vào cuối năm và cuối kỳ có xu hướng trở thành "quy luật"

Đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, có vốn nhưng chậm phân bổ, giải ngân

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc với 5 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng nêu rõ: Theo con số có được, cho đến nay, tổng số nguồn vốn ODA đã thực hiện là 21 tỷ USD. Riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, thời gian vừa qua, việc giải ngân nguồn vốn ODA, không phải chỉ trong năm 2022, trong các năm qua giải ngân nguồn vốn ODA luôn luôn thấp, thông thường đầu năm thấp, cuối năm có tăng lên, nhưng về cơ bản, nếu so với tình hình giải ngân chung thì thấp.

“5 tháng đầu năm nay như báo cáo của Chính phủ, mức giải ngân là 6,26%, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan. Phải nói trong năm 2021, 2022, nhất là đầu năm 2022 thì tình hình COVID-19 cũng ảnh hưởng nhất định đến việc chuyên gia hoặc các nhà tài trợ nước ngoài vào đất nước chúng ta, việc đấy khó khăn nhưng chúng ta đã từng bước giải quyết”, Phó Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ hai được Phó Thủ tướng nêu ra là: Thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ có sự khác biệt. Trong quá trình Việt Nam cũng rất mong muốn là yêu cầu hài hòa hóa các thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, tuy nhiên cũng còn rất khó khăn.

Nguyên nhân tiếp theo được Phó Thủ tướng nêu ra là vấn đề giải phóng mặt bằng, nói chung của các nguồn vốn đầu tư công là còn chậm. “Về chủ quan cũng thừa nhận là công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải ngân nguồn vốn này. Thứ hai là năng lực cũng còn có hạn chế trong việc giải ngân nguồn vốn. Thứ ba là một điều cũng đang cố gắng xử lý nữa, tức là trong tất cả nguồn vốn ODA thì bao giờ cũng có một nguồn vốn của chúng ta là nguồn vốn đối ứng, khi có các dự án thì cam kết là có nguồn vốn nhưng khi bố trí các nguồn vốn đối ứng này là có khó khăn. Đó là những nguyên nhân làm cho tình hình giải ngân nguồn vốn ODA có khó khăn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp trong thời gian tới Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 56, Nghị định 114 cũng mới ra vào cuối năm 2021 nhưng thấy rằng vẫn tiếp tục phải sửa đổi.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Ví dụ như vừa qua Luật 03 của Quốc hội có một số vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công về nhóm B, nhóm C thì Chính phủ cũng phải sửa đổi nghị định vừa mới ban hành cuối năm 2021, phải sửa đổi để làm sao đáp ứng được việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tăng cường, khẩn trương rà soát lại các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với nhà tài trợ, thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA.

“Một trong lý do tất nhiên không phải lớn khi giải ngân nguồn vốn ODA là thông thường các Ban quản lý dự án thì chỉ chờ đến cuối năm mới giải ngân nguồn vốn này, mặc dù đã hoàn thành một số trong các dự án nhưng chờ đến cuối để quyết toán một lần với kho bạc. Trong thời gian tới sẽ cương quyết vấn đề xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Có khoảng 2.000 vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, ODA

Tham gia tranh luận, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, qua báo cáo của Phó Thủ tướng và qua giải trình của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này cho thấy thêm một lần nữa pháp luật được coi là tội đồ cho sự chậm trễ trong thực hiện một số gói phục hồi kinh tế và nhiều mục tiêu khác.

"Là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, kính mong Phó Thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng những cơ chế đặc thù là chưa đủ và nếu đúng là do pháp luật thì xin Phó Thủ tướng chỉ giúp đó là những quy định nào để Quốc hội được biết và cũng có căn cứ để hoàn thiện thể chế", Đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, báo cáo mới các vị đại biểu Quốc hội, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công với tình hình triển khai chậm thì Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế xem những vướng mắc gì trong việc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. “Không chỉ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước, kể cả nguồn vốn ODA”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương báo cáo lên. Trong báo cáo tổng hợp lên có khoảng 2.000 vấn đề (con số có thể không nhớ chính xác), trong đó khoảng 60-70% là do vấn đề hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành về giải thích, hiểu các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

“Tôi chắc các tỉnh, thành đều nhận được văn bản này, kể cả nguồn vốn đầu tư công trong nước lẫn nguồn vốn ODA, còn lại những vấn đề gì liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, đó là nghị định, thông tư của các bộ thì tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành. Vấn đề gì liên quan đến luật thì sẽ tập hợp, điều chỉnh và báo cáo đề xuất”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trên thực tế đã có để thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có một số liên quan đến luật, như Nghị quyết 43 của Quốc hội thông qua thì có một số cơ chế.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/se-cuong-quyet-dieu-chuyen-huy-nguon-von-oda-neu-su-dung-khong-hieu-qua-post198478.html