Sẽ điều chỉnh lương tối thiểu vùng đảm bảo lợi ích cho người lao động và DN
'Với vai trò là thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) sẽ tham gia tích cực với Hội đồng trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm cho phù hợp với thực tế để vừa bảo đảm đời sống của người lao động, vừa không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp', Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có lộ trình đối với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng để doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, theo quy định của luật BHXH năm 2006, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định mức tiền lương này bao gồm cả tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, luật BHXH năm 2014 đã quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ năm 2016 đến hết năm 2017 là mức lương và phụ cấp lương. Từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết cũng chỉ rõ các khoản phụ cấp, bổ sung nào sẽ dùng để đóng BHXH. Do đó, đã tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp do tác động kép của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức đóng BHXH như trên.
Bên cạnh đó, Bộ này cho rằng hàng năm Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm đại diện của Bộ LĐ-TB-XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương) cũng xem xét, thảo luận các yếu tố để khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng.
"Với vai trò là thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tham gia tích cực với Hội đồng trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm cho phù hợp với thực tế để vừa bảo đảm đời sống của người lao động, vừa không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", Bộ cho biết.
Tại buổi hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” cách đây vài ngày, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng lương tối thiểu ở Việt Nam không được vận hành một cách bài bản dẫn đến mục đích nguyên bản của nó là bảo vệ người lao động cũng chưa được thực hiện. "Lương tối thiểu cứ tăng 1% thì sẽ dẫn đến số lao động giảm 0,13%".
“Chúng ta nghĩ rằng lương tối thiểu để bảo vệ người lao động, thế nhưng khi tăng lương tối thiểu lên để bảo vệ người lao động tốt hơn thì nhiều lao động lại bị đẩy ra khỏi thị trường lao động hơn”, TS Thành nhận định.
Viện trưởng VEPR cho rằng việc tăng lương tối thiểu đã dẫn đến mức lương trung bình tăng lên, hay là chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Chính sức ép từ chi phí lương tăng đã khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
“Đây là một điều nghiêm trọng: Khi chúng ta tăng lương tối thiểu lên thì lương trung bình cũng tăng. Có một hệ số phụ thuộc giữa 2 biến số này, tùy theo quy mô doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp khác nhau”, ông Nguyễn Đức Thành nói.
Vị này nhấn mạnh: “Tăng lương tối thiểu, cả người lao động và giới chủ bị ảnh hưởng. Sau đó, lương tối thiểu cũng không có khả năng bảo vệ những người không nhận lương tối thiểu, tức là những người đã bị đẩy khỏi thị trường vì chính sách tăng lương tối thiểu trên".
Cũng tại hội thảo này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại nêu quan điểm: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khi đề xuất tăng lương thường đưa ra lý do “người lao động không đủ sống”, nhưng nói “đủ sống” hay không rất khó. Bởi vì mức đủ sống ở mỗi thời điểm là khác nhau, bây giờ có thể là đủ nhưng mai kia thì chưa chắc.
Ông Tuyển còn cho rằng nếu coi lương tối thiểu là công cụ bảo trợ xã hội là không đúng. Bởi trên thực tế, có khoảng 50% người dân không chịu tác động bởi lương tối thiểu. Vì thế, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn bỏ lương tối thiểu, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. "Làm sao để doanh nghiệp họ thấy trở nên cạnh tranh hơn thì họ sẽ tự nguyện tăng lương cho người lao động".