Sẽ đưa vụ việc của ông Chau Thương ra xét xử
Báo An Giang nhận được đơn của ông Chau Thương (ngụ khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông gửi đơn khởi kiện đã lâu, nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Ông Chau Thương trình bày, ông có 891m2 đất T+LnK (thửa số 11140, tờ bản đồ số 02, tọa lạc khóm An Định, thị trấn Ba Chúc), đã được UBND huyện Tri Tôn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 01349 QSDĐ/ml, ngày 27/5/1994. Đất có nguồn gốc của ông Chau Dên (cha ông, đã chết), ông kế thừa, quản lý và sử dụng trước năm 1979. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, chấp hành chủ trương của nhà nước, gia đình ông di tản về tỉnh Hậu Giang sinh sống. Năm 1986, họ trở về Ba Chúc. Sau đó, họ đồng ý cho bà Trương Thị Ngọc Thủy cất nhà tiền chế ở tạm trên đất.
Bà Thủy ở được 1 năm thì di dời nơi khác, nhưng thỏa thuận bán nhà tiền chế cho ông Lê Văn Mẫm (không bán đất, bà Thủy xác nhận khi làm việc tại tòa án). “Lúc bấy giờ, tôi không biết. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con còn nhỏ, tôi phải đi làm ăn xa. Sau khi phát hiện, tôi yêu cầu gia đình ông Mẫm di dời nhà, trả đất cho tôi, nhưng ông không đồng ý.
Ức lòng, tôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh nhờ can thiệp, đồng thời khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tri Tôn. Nhưng gần 20 năm, vẫn chưa có cơ quan nào giải quyết cho tôi. Cơ quan cấp tỉnh, huyện đều chuyển đơn về TAND huyện giải quyết.
Tòa án thì yêu cầu tôi cung cấp chứng cứ, bảo chờ, rồi lại đình chỉ. Hiện, ông Mẫm nới rộng diện tích căn nhà, đưa con cái về cất nhà hết phần diện tích đất của tôi. Trong khi gia đình tôi có đất mà không được ở, phải đi ở nhờ trên đất người khác, không biết bị đuổi ngày nào; con cái đã lớn phải tha phương cầu thực, mưu sinh. Rất mong vụ việc sớm được giải quyết dứt điểm, yêu cầu gia đình ông Mẫm trả lại QSDĐ cho tôi” - ông Chau Thương đề nghị.
Theo trình bày của ông Lê Văn Mẫm tại tòa án, nguồn gốc đất tranh chấp là do ông nhận chuyển nhượng của bà Trương Thị Ngọc Thủy từ năm 1994, chỉ làm "giấy tay", không có chứng thực của chính quyền địa phương (vì được địa phương cho biết đất thuộc nhà nước quản lý). Khi nhận chuyển nhượng, trên đất có căn nhà và một số cây ăn trái. Quá trình sử dụng đất, ông thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Thương, ông không đồng ý. Ngoài ra, ông Mẫm còn yêu cầu hủy GCNQSĐ cấp ngày 27/5/1994 cho ông Chau Thương.
Trao đổi với phóng viên, đại diện TAND huyện Tri Tôn cho biết, đơn vị đang thụ lý giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 69/2009/TLST-DS, ngày 23/2/2009 về việc “Tranh chấp QSDĐ” giữa nguyên đơn là ông Chau Thương với bị đơn là ông Lê Văn Mẫm, cùng một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Quá trình thụ lý giải quyết vụ việc, tòa án đã ghi nhận lời khai của các bên đương sự theo trình tự quy định. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đương sự không cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng cứ theo yêu cầu; có thời gian đương sự cho biết đang khiếu nại tại UBND địa phương... nên tạm đình chỉ, sau đó đương sự tiếp tục yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo UBND thị trấn Ba Chúc, nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Chau Oanh (bác ruột của ông Thương) quản lý, sử dụng. Từ năm 1959 đến trước năm 1975, chế độ cũ quy hoạch đất thành khu trù mật, thực hiện chính sách dồn dân ra cặp lộ Ba Chúc - Tri Tôn và khu vực chợ Ba Chúc.
Trong thời gian này, bà Năm Kiềm ở trên đất từ năm 1960 đến 1962. Khu đất bị bỏ trống đến năm 1975, vợ chồng ông Oanh lập gia đình ở riêng nên cất nhà ở, được khoảng 1 năm thì di dời đi nơi khác. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, năm 1980, nhà nước có chủ trương cho dân tạm ở khu vực cặp lộ Ba Chúc - Tri Tôn. Phần đất tranh chấp lúc này do một người dân nhận cất nhà, khoảng vài năm thì bán cho người khác, rồi mới đến bà Thủy. Năm 1994, bà Thủy chuyển nhượng lại cho ông Mẫm ở ổn định đến nay.
Đất thuộc nhà nước quản lý, nên nhà nước không giải quyết yêu cầu đòi lại đất của bất cứ cá nhân nào. Mặt khác, việc cấp QSDĐ cho ông Thương không đúng đối tượng và quy trình. Để có cơ sở giải quyết vụ án, tòa án nhiều lần gửi công văn đến UBND huyện Tri Tôn đề nghị có ý kiến về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ số 01349QSDĐ/mI cho ông Chau Thương. Trường hợp trình tự, thủ tục cấp không đúng quy định, thì đất có thuộc trường hợp được cấp quyền sử dụng hay thuộc quy hoạch tại địa phương hay không; cung cấp một số thông tin về các vấn đề có liên quan. UBND huyện chậm cung cấp thông tin, vì vậy vụ án bị kéo dài.
Hiện nay, sau hơn 1 năm kể từ ngày gửi công văn yêu cầu, ngày 17/8/2022, TAND huyện nhận được kết quả trả lời của UBND huyện Tri Tôn. Đơn vị sẽ đưa vụ việc ra xét xử trong thời gian tới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/se-dua-vu-viec-cua-ong-chau-thuong-ra-xet-xu-a341559.html