Sẽ giảm lãi suất cho vay
Đại diện các doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn than khó vay vốn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị ngành ngân hàng quan tâm doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ vốn.
Khổ tứ bề về vốn vay
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều 21/9, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, Hà Nội có 370.000 doanh nghiệp và chính sách về tín dụng chưa phủ hết doanh nghiệp. Ông Thanh mong ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn khi họ còn khả năng hấp thụ vốn. Ông Thanh ví von, doanh nghiệp như cơ thể người, nếu còn sức, chỉ cần đưa nước uống vào là phục hồi, còn khi đã chết thì đưa nhân sâm cũng không cứu được.
Tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, phát biểu: “Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao, thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với một khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng. Thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn”.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp đang phải gồng mình trong nền kinh tế khó khăn, dẫn đến bức tranh tài chính không đủ đẹp để đáp ứng tiêu chí ngân hàng đề ra để được vay vốn. “Tôi không đề nghị ngân hàng hạ mức chuẩn tín dụng nhưng có thể điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cho hay, Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp lớn thụ hưởng tốt, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa được tiếp xúc nhiều. “Có doanh nghiệp được 5-7 ngân hàng mời chào. Doanh nghiệp làm ăn tốt là khách quý của ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không vay được”, bà Ngân nói.
Ông Nguyễn Trọng Hoa, Giám đốc Cty TNHH Vật tư và Kết cấu thép, nói rằng, thị trường tiêu thụ sắt thép Việt Nam 8 tháng đầu năm, đặc biệt từ quý II năm 2023 giảm sâu.
Ông Hoa kiến nghị phía ngân hàng tiếp tục ban hành các gói lãi suất, chính sách ưu đãi đến từng ngành nghề cụ thể, đặc biệt là sắt thép xây dựng để tiếp tục giảm bớt chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Theo ông Hoa, lãi suất cho vay nên giảm về 6% doanh nghiệp mới có sức cạnh tranh.
Sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng. Năm 2022, tín dụng tăng 14,78%. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm nay, huy động vốn tăng chỉ 5,36% so với cuối năm 2022.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng Hà Nội ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau TPHCM. Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng tăng 11,3%.
Chia sẻ về khó khăn tăng trưởng tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết, các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng. Điều này khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.
Theo bà Giang, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản…
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, bà Giang cho biết ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cam kết từ nay đến cuối năm sẽ đồng hành với doanh nghiệp để giảm lãi suất cho vay. “Chúng tôi sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu”, ông Tùng nói. Ông Tùng nhắc đến câu chuyện không thể hạ chuẩn tín dụng vì nợ xấu sẽ phát sinh, khiến chi phí vốn của ngân hàng có thể tăng lên. “Chi phí vốn thấp do tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng, sẽ tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng tốt trong tương lai”, ông Tùng nói.
Cần giải pháp cho toàn hệ thống
TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng. Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên về tư duy cần phải tách bạch, không được đánh đồng giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Đối với tín dụng, theo chuyên gia, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp vào hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Việt Linh
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/se-giam-lai-suat-cho-vay-post1571222.tpo