'Sẽ không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia cao tốc Bắc-Nam'

Nếu được Quốc hội đồng ý chuyển đổi 3 dự án cao tốc bắc-Nam sang đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đấu thầu trong tháng 9/2020 và khởi công vào tháng 10-11/2020

Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đường sẽ là cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các nhà đầu tư trong nước thông qua đấu thầu. Tất cả 8 dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Lo áp lực nguồn vốn “rót” cho dự án

Tại phiên thảo luận Tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào sáng ngày 9/6, ông Phan Thái Bình, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam cho rằng, nếu chuyển 8 dự án cao tốc Bắc-Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thì khó khăn nhất là vốn tín dụng bởi hiện nay huy động vốn vay ngắn hạn là rất khó. Trong khi, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đầu tư công tiết kiệm 3.000 tỷ đồng, giải quyết mục tiêu kép giải ngân và đẩy tiến độ hoàn thành.

Tuy nhiên, Đại biểu Bình cũng bày tỏ lo lắng nhất chính là áp lực về nguồn vốn “rót” cho dự án.

“Nếu chọn phương án chuyển 3 dự án cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công thì nguồn vốn lấy từ đâu, vốn trái phiếu Chính phủ liệu có vượt ngưỡng trần nợ công của Nhà nước. Phương án thu phí hoàn vốn có ảnh hưởng gì đến các nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1. Còn 5 dự án PPP còn lại, trong trường hợp không chọn được nhà đầu tư lại phải đầu tư công, vậy sẽ lấy đâu ra nguồn vốn để làm. Do đó, phải dự báo các phương án để có giải pháp tối ưu nhất,” ông Bình nhấn mạnh.

Ông Phan Việt Cường, Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam đề nghị Chính phủ đánh giá tác động liệu dự án đầu tư công nhưng có đảm bảo chất lượng, phương án thu hồi vốn Nhà nước thông qua đấu thầu thu phí, đánh giá tác động doanh thu khi dự án có sự phân luồng lưu lượng phương tiện giữa cao tốc và BOT Quốc lộ 1.

Ông Tô Văn Tám, Đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum cho biết nhiều Cử tri đặt câu hỏi thắc mắc 5 dự án PPP liệu nước ngoài có vào đầu tư hay không? Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong đó dự báo trong tình hình khó khăn hơn chỉ có thể đạt mức 3,6-4,4%, vậy vốn đầu tư công không có lấy đâu ra tiền để đầu tư, tăng trưởng kinh tế cao mới có thể vay được ngân hàng.

Chung quan điểm này, theo Đại biểu quốc hội Hoàng Quang Hàm đoàn Phú Thọ, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động nợ công, trần nợ, khả năng trả nợ, số phải trả trên tổng thu và vấn đề ở đây phải tính toán cân đối ngân sách, đánh giá thêm khả năng vay thêm nợ công hay sắp sếp các khoản vay.

“Việc vay vốn ngân hàng thương mại hiện nay với các dự án giao thông là không khả thi, do đó Chính phủ hay ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ, nếu không sẽ không còn dự án BOT giao thông nữa để thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về thu hút xã hội hóa giao thông,” ông Hàm gợi ý.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội nhìn nhận nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay không phải quá dồi dào, đang cần ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực nên cần tập trung ưu tiên nhất cho đầu tư PPP.

Ông Cường kiến nghị Chính phủ cần làm rõ những điều kiện nếu dự án không có nhà đầu tư thực sự cần thiết chuyển sang đầu tư công, còn dự án vẫn có nhà đầu tư có khả năng tham gia cần đánh giá thêm về năng lực nhà đầu tư và đánh giá thêm bổ sung 23.000 tỷ đồng vốn đầu tư công có ảnh hưởng gì đến kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025 hay không.

Xây dựng khung giá vé đường cao tốc linh hoạt

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, 8 dự án cao tốc Bắc-Nam hiện đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự toán và chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu. Về mặt hồ sơ thủ tục, nếu chuyển 3 dự án sang đầu tư công chỉ là quyết định phê duyệt lại và bỏ qua các quy định như lãi vay vì đầu tư theo PPP.

Dự án cao tốc Bắc-Nam đủ điều kiện khởi công khi đã bàn giao giải phóng được 74% về mặt bằng và cuối năm nay sẽ xong hoàn toàn. Nếu được Quốc hội đồng ý, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đấu thầu trong tháng 9/2020 và khởi công vào tháng 10-11/2020

Lý giải thắc mắc tại sao một số đoạn như Phan Thiết-Dầu Giây hay Mai Sơn-Quốc lộ 45 vốn là tuyến có lưu lượng xe lớn, rất dễ thu hút nhà đầu tư nhưng lại phải đầu tư công, theo Bộ trưởng Thể, đoạn Phan Thiết-Vĩnh Hảo có 3 nhà đầu tư tham gia nhưng đều không qua sơ tuyển nên không có nhà đầu tư và phải chuyển đầu tư công theo Nghị quyết 52 của Quốc hội.

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội giữa các vùng miền. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội giữa các vùng miền. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với đoạn Phan Thiết-Dầu Giây tổng mức đầu tư 13.656 tỷ đồng, Mai Sơn-Quốc lộ 45 (tổng vốn đầu tư là 12.343 tỷ đồng), sau khi đấu thầu trong nước, các nhà đầu tư nội địa quan tâm lại bày tỏ sự e ngại trong việc thu xếp vốn huy động tín dụng của dự án này rất lớn khoảng 9.000 tỷ đồng và 7.500 tỷ đồng. Vốn huy động càng lớn thì càng khó khăn và đoạn tuyến đảm bảo sự kết nối liên tục giữa các tuyến, lan tỏa kinh tế giữa các tỉnh thành nên thống nhất chuyển sang đầu tư công.

Giải đáp tới nguồn tiền đầu tư công còn thiếu 23.461 tỷ đồng cho 11 dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Thể cho biết một nhiệm kỳ qua Bộ Giao thông Vận tải được bố trí 235.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và ưu tiên 1 cho ngành giao thông với dự án cao tốc Bắc-Nam nên hoàn toàn cân đối được nguồn vốn thiếu chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn.

Đề cập đến việc Bộ Giao thông Vận tải đã lường trước được ảnh hưởng đến các dự án BOT Quốc lộ 1, Bộ trưởng Thể cho rằng, năm 2011-2013 triển khai các dự án BOT, thời điểm đó quy hoạch phát triển giao thông cả nước đã tính đến cao tốc Bắc-Nam. Khi lập quy hoạch, Bộ đã tính toán 60% xe đi cao tốc và 40% xe đi trạm BOT Quốc lộ 1 và dự báo năm 2020-2021 sẽ phân lưu lượng xe, có ảnh hưởng đến các trạm BOT song hành nhưng không lớn.

“Khi triển khai đấu thầu thu phí hoàn vốn dự án cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ đề án nếu xây dựng giá cao thì xe sẽ đi chủ yếu Quốc lộ 1 và gây ùn tắc, nên chăng xây dựng phương án giá hợp lý nhất để có sự điều tiết để tăng lượng xe cao tốc đảm bảo hài hòa giữa tuyến song hành. Nếu giảm giá thu hồi vốn chậm và ngược lại,” người đứng đầu ngành giao thông nói.

Bộ trưởng cũng cam kết đảm bảo chất lượng công trình dự án cao tốc Bắc-Nam, không ai dám làm gì sai nhưng chắc chắn cũng sẽ có rủi ro bởi tuyến đường đi qua nhiều vùng địa chất phức tạp nên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ cố gắng có các giải pháp khác tốt nhất để xử lý vấn đề này./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/se-khong-co-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tham-gia-cao-toc-bacnam/644664.vnp