Sẽ lại có những kỷ lục mới về mức chi tiêu quốc phòng của NATO?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép lên các đồng minh châu Âu của NATO nhằm tăng chi tiêu quốc phòng của các nước này lên 2% GDP. Liệu trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump, con số này sẽ tiếp tục gia tăng?

Sức ép mới từ Chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump

Thời gian gần đây xuất hiện những thông điệp từ Chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump tới các đồng minh châu Âu của NATO rằng sẽ yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP - con số mà không quốc gia liên minh nào hiện nay đạt được. Thông tin được tờ Financial Times trích dẫn hai nguồn tin trong ê-kíp của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, ông Trump sẽ hài lòng với mức 3,5% GDP và điều này sẽ gắn liền với việc xem xét lại các thông lệ thương mại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump gây sức ép mạnh mẽ các đồng minh nhằm tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 23 trong số 32 quốc gia thành viên NATO đáp ứng được mức chi tiêu quốc phòng này, và vào năm 2018 (trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump) chỉ có 5 quốc gia đạt được mức chi tiêu này. Hơn nữa, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã nói với các đồng minh về mức kỳ vọng 4% GDP cho chi tiêu quân sự.

Cần lưu ý rằng, các quốc gia thành viên NATO hiện mới đang thảo luận về khả năng tăng dần mục tiêu cho nhu cầu quân sự trong 5 năm tới lên 3% GDP, cố gắng đạt được mức chi tiêu này vào mùa hè năm 2025 tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở The Hague. Nhưng nhiều quốc gia thành viên lo ngại sẽ phải thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, giảm chi tiêu ở các hạng mục khác của đất nước nhằm đáp ứng mức chi tiêu này cho quốc phòng.

Theo Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng, Mỹ chi khoảng 3,1% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 (mức chi chung của NATO ước tính 3,38%). Mỹ lọt vào tốp 3 quốc gia thành viên chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng: Ba Lan (4,1%) và Estonia (3,4%). Tây Ban Nha, Slovenia, Luxembourg và Bỉ hiện là những quốc gia chi tiêu ít nhất cho quốc phòng trong khối - chỉ khoảng 1,3% GDP. Vào tháng 2/2024, Bloomberg đưa tin, ông Trump hứa sẽ áp dụng nghiêm ngặt Điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể chỉ áp dụng cho những quốc gia chi 2% GDP cho quốc phòng.

Đồng thời, Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong tương lai tiếp tục có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo quan điểm của các thành viên chủ chốt trong ê-kíp của tổng thống, điều này nhằm cụ thể hóa triết lý “hòa bình thông qua sức mạnh” (có nhiều ý kiến cho rằng, sức mạnh theo quan điểm của Chính quyền Tổng thống Donald Trump không phải là sự đe dọa hay hung hăng, mà là cách thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích của quốc gia và tạo ra một thế đứng vững chắc để đàm phán hòa bình). Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trump, Ukraine “không bao giờ” nên gia nhập NATO.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte là người có quan điểm tương đồng với Tổng thống Donald Trump về chi tiêu quốc phòng. Vào ngày 12/12, lần đầu tiên ông Mark Rutte kêu gọi chuyển hướng một phần thanh toán xã hội sang sản xuất vũ khí, lĩnh vực mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ khoảng 1/4 ngân sách của mình. Ông tin rằng, chi tiêu quân sự của các nước cần phải cao hơn 3% GDP nhằm đáp ứng những yêu cầu, thách thức của tình hình an ninh khu vực hiện nay.

Không dễ để thực hiện

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump càng làm sâu sắc hơn những vấn đề tài chính của châu Âu hiện nay. Chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, các vấn đề liên quan đến chi tiêu xã hội và điều phối ngân sách đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Đức và Pháp, hai nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu. Những mục tiêu nhằm nâng cao mức chi tiêu quốc phòng dự báo sẽ gây ra những vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế của Anh, Ý và Tây Ban Nha.

Theo Igor Shkrobtak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mỹ và Canada/Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết, yêu cầu từ ê-kíp của Tổng thống Donald Trump đối với các đồng minh của mình trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP có thể là một phần của cuộc thương lượng, vì đây là mức chi tiêu “quá mức cần thiết” đối với bất kỳ quốc gia NATO nào. Tính khả thi của yêu cầu như vậy đặc biệt đáng nghi ngờ trong bối cảnh hiện tại của các nền kinh tế châu Âu. Ngoài ra, vẫn chưa rõ hậu quả gì sẽ xảy ra nếu các thành viên NATO không tuân thủ các yêu cầu đã đặt ra. Do đó, theo chuyên gia Nga, rất có thể đây là một nỗ lực điển hình của Tổng thống Donald Trump nhằm bắt đầu đối thoại từ một vị thế mạnh mẽ.

Trong khi đó, chuyên gia Yulia Semke, Trường Kinh tế cao cấp (HSE) tin rằng, các kế hoạch của chính quyền Mỹ trong tương lai gần có thể sẽ bao gồm yêu cầu người châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, bởi thực tế là NATO cũng đang thảo luận về việc sẽ ấn định mục tiêu ở mức 3% hoặc 4% GDP. Nhưng đặt mục tiêu trên giấy và cụ thể hóa trong thực tế là những điều hoàn toàn khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn kinh tế vĩ mô ở châu Âu. Trong mọi trường hợp, theo bà Yulia Semke, việc buộc các nước NATO phân bổ 5% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong ngắn hạn đơn giản là không thực tế và về lâu dài, điều này sẽ đòi hỏi “những quyết định chính trị trong nước rất mạo hiểm”. Ngoài ra, người dân châu Âu giờ đây không còn dễ tiếp thu ý tưởng tăng chi tiêu quân sự nữa. Do đó, mức 5% GDP cho chi tiêu quốc phòng có thể xuất hiện ở NATO như một mục tiêu dài hạn, nhưng sẽ không trở thành yêu cầu bắt buộc.

Mặc dù mức chi 5% GDP cho quốc phòng của các nước NATO thiếu khả thi, nhưng không thể phủ nhận thực tế là xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự của NATO ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ tạo ra hiệu ứng của một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu, mà còn diễn ra mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu. Ngày 22/4/2024, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo về chi tiêu quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2.443 tỷ USD vào năm 2023, tăng 6,8% so với năm 2022. Đây là mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2009. Rõ ràng, cộng đồng quốc tế có lý do để lo ngại rằng, khi các nước nắm trong tay nhiều vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, sẽ ưu tiên sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết các tranh chấp, xung đột. Khi đó, giải pháp chính trị thông qua đàm phán sẽ ngày càng bị phớt lờ, tạo ra bức tranh với nhiều gam màu tối cho môi trường an ninh thế giới.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/se-lai-co-nhung-ky-luc-moi-ve-muc-chi-tieu-quoc-phong-cua-nato-234594.htm