Sẽ nghiên cứu, đầu tư một số giống lúa thành dược phẩm, thực phẩm chức năng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 6-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Việc phát triển thương hiệu gạo; công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi; câu chuyện “được mùa, mất giá” là những vấn đề được các đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Nâng cao giá trị hạt gạo

Đại biểu Chau Chắc (An Giang) chất vấn về việc "phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, giải pháp hỗ trợ cho người trồng lúa". Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hằng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo.

Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua, Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây, Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn gạo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chúng ta vẫn bảo đảm an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn bảo đảm được, nhưng thay vào đó, về lâu dài, sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn.

Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó là "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng", Bộ trưởng cho biết, trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên một số nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo.

Bộ trưởng dẫn chứng, hiện nay sản phẩm dầu cám gạo đem lại giá trị cao hơn sản lượng gạo tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Quảng Trị vừa qua cũng đã xây dựng mô hình 600ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh túy nhất của hạt gạo. "Đây là hướng đi đúng và chúng ta sẽ nâng cao giá trị hạt gạo", Bộ trưởng Cường cho hay.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lịch sử

Trả lời chất vấn các đại biểu nêu về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng thừa nhận, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

Bộ trưởng dẫn chứng, 100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.

Đối với Việt Nam, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. Nhưng do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc. Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có được thành tích trên là cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn đến tận ổ dịch để chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có ngay chính sách hỗ trợ theo giá thành của sản xuất và yêu cầu chuẩn bị sẵn để xây dựng kịch bản tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Tổ chức Thú y thế giới cũng đánh giá chúng ta rất minh bạch thông tin về dịch tả lợn, không giấu giếm để đề ra giải pháp. Còn nhiều quốc gia khác thì giấu giếm, nên không thể biết được tình hình thực tế về dịch tả lợn Châu Phi là như thế nào.

"Đến nay, chúng ta vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, đây là hạt nhân để phát triển đàn lợn sau này", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cho biết thêm, cách đây 3 tuần, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi Khoái Châu, Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có nông dân còn dùng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ chăn nuôi lợn.

Trả lời về giải pháp bù lượng thịt bị dịch tả lợn nhằm cung cấp thịt cho dân ăn Tết, Bộ trưởng cho biết, với 109.000 đàn giống lợn hạt nhân, chúng tôi sẽ tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cam kết, bằng mọi giải pháp không để xảy ra khủng hoảng. Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng nêu rõ, trước đây giá khoảng 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Bộ trưởng mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro.

Khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”

Về giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng nhấn mạnh, những năm gần đây, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể, kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bất cập lớn nhất hiện nay là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Bộ trưởng nêu dẫn chứng, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá “nóng”. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương. Đặc biệt, việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Về giải pháp khắc phục tình trạng “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường.

"Chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị. Ví dụ như Bắc Giang, gà đồi Yên Thế bán rất tốt, ở Sơn La quả xoài xuất khẩu ra quốc tế rất tốt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/se-nghien-cuu-dau-tu-mot-so-giong-lua-thanh-duoc-pham-thuc-pham-chuc-nang-599208