Sẽ phân cấp thẩm quyền trong phê duyệt phương án và quyết định xử lý nhà, đất
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP cũng quy định về việc này trước đó và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
Nhiều vướng mắc phát sinh
Cục Công sản - Bộ Tài chính cho biết, chính sách về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã tương đối hoàn thiện từng thời kỳ. Tuy nhiên, do phạm vi sắp xếp và đối tượng áp dụng rộng, chính sách hiện hành chưa phân định rõ các trường hợp phải thực hiện sắp xếp và các trường hợp không thực hiện sắp xếp, trong khi nhà, đất liên quan đến nhiều pháp luật khác như về đất đai, về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản… Các hệ thống pháp luật này cũng đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy, cần tiếp tục rà soát pháp luật về sắp xếp với các hệ thống pháp luật có liên quan để hoàn thiện đảm bảo thống nhất, không chồng chéo.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số nội dung khác có phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nên việc thực hiện còn chậm. Ngoài ra, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khá phức tạp do việc quản lý nhà, đất có nguồn gốc hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc…
Trong 3 ngày 17,18,19/7 vừa qua, Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, trong đó có dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC (thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ - CP, Nghị định số 67/2021/NĐ - CP).
10 nội dung của dự thảo nghị định đã được Cục Quản lý Công sản đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị như: Thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp; trường hợp áp dụng, thẩm quyền quyết định, tổ chức thực hiện, quyết định xử lý tài sản; quy định về xử lý chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành...
Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Hơn nữa, thực tế vẫn còn tình trạng quản lý, sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định và không hiệu quả như cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được địa phương giao đất, cho thuê đất tại vị trí mới để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp nhưng nhà, đất tại vị trí cũ còn để trống. Một số cơ quan, đơn vị ở trung ương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhưng không đề xuất phương án đối với nhà, đất phải sắp xếp nên dẫn đến tình trạng hoang hóa…
Sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh về thẩm quyền phê duyệt
Bộ Tài chính cho biết, từ những bất cập trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phân cấp mạnh thẩm quyền trong phê duyệt phương án xử lý và quyết định xử lý nhà, đất do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 74/2022/QH 15 đã đề ra.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo nghị định đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý và quyết định xử lý nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân) cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh có nhà, đất. Dự thảo nghị định chỉ giữ lại một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) hoặc các trường hợp tương đồng theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thực tế đang thực hiện.
Bộ Tài chính đã tổ chức rà soát các nội dung của Nghị định số 167/2017/NĐ- CP, Nghị định số 67/2021/NĐ- CP của Chính phủ. Các vướng mắc phát sịnh theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương trong thực tiến triển khai để xác định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Do nội dung của nghị định có tác động đến nhiều đối tượng liên quan, vì vậy, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định.
Trên cơ sở phân cấp thẩm quyền này, cơ quan lập phương án ở trung ương được phân cấp cho cơ quan quản lý TSC hoặc cơ quan, đơn vị khác của bộ, cơ quan trung ương; Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương lập phương án sắp xếp đối với nhà, đất (kể cả nhà, đất trên địa bàn địa phương khác) đối với cơ quan lập phương án ở địa phương. Riêng việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Về kiểm tra hiện trạng, dự thảo quy định giao toàn bộ việc kiểm tra hiện trạng cho cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý. Đồng thời cho phép trường hợp cần thiết, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh được phân cấp cho các cơ quan chủ quản chủ trì kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Việc giao chủ trì kiểm tra hiện trạng được thực hiện bằng văn bản.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định về thẩm quyền quyết định xử lý. Theo đó, cơ qua, người có thẩm quyền phê duyệt phương án cũng đồng thời là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý (trừ một số trường hợp đặc biệt như điều chuyển, bán tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng, thẩm quyền quyết định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP của Chính phủ).