Sẽ phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tại Quyết định số 819/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy (PCCC) đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Một trong những nhiệm vụ chính của quy hoạch là xác định phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) chuyên ngành, cơ sở, dân phòng, tình nguyện; xác định rõ việc phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC tại các đô thị, khu công nghiệp đảm bảo tổng lưu lượng nước chữa cháy và phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và hệ thống trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng.
Bảo đảm các tuyến đường giao thông đường bộ đến trung tâm cấp huyện đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng cháy, chữa cháy. Đảm bảo hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất, có khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương.
Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới trụ sở, doanh trại Cảnh sát PCCC&CNCH trong phạm vi toàn quốc; đảm bảo bán kính bảo vệ của các đội Cảnh sát PCCC&CNCH đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hệ thống cấp nước PCCC, các loại hình giao thông và hệ thống thông tin chỉ huy điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện đại, thống nhất, được kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia...
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam, với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được phân thành 6 vùng. Mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.