Sẽ quản chặt các tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng một văn bản (dự kiến là thông tư) để đưa ra các quy định về quản lý việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân, nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến việc sử dụng tài khoản không chính chủ.
Vấn nạn tài khoản không chính chủ
Thời gian qua, dịch vụ thanh toán và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến phát triển mạnh mẽ là một trong những mặt tích cực, tăng tiện ích cho người dân, giảm thiểu chi phí hoạt động cho các ngân hàng và khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị). 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động. Hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt khoảng 1.268 tỷ đồng.
Tính đến tháng 5/2023, có 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì những “lỗ hổng” cũng bộc lộ, trong đó, một trong những vấn đề nổi lên là tình trạng sử dụng tài khoản không chính chủ cho các mục đích xấu cũng đã xuất hiện gây khó khăn trong quản lý nhà nước, cũng như rủi ro cho các ngân hàng và người dân.
Bộ Công an sẽ hỗ trợ các ngân hàng “tích xanh tài khoản”
Đại diện Bộ Công an cho biết đang thực hiện phối hợp với các tổ chức tín dụng và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cung cấp dịch vụ tích xanh tài khoản. Đây là các tài khoản được định danh chính xác danh tính công dân để bảo hiểm cho các giao dịch đảm bảo. Bộ Công an cũng phối hợp với các ngân hàng xây dựng kênh thông tin phản ứng nhanh đối với các trường hợp lừa đảo, chuyển tiền, xác minh, giải quyết hạn chế rủi ro cho ngành tài chính, ngân hàng.
Đại diện NHNN cho biết, thời gian qua đã có tình trạng người dân cho mượn tên để người khác mở tài khoản sử dụng. Việc này dẫn đến tình trạng khó xác định tài khoản chính chủ. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, khi các nghiệp vụ cho vay trực tuyến mở rộng phát triển thì cần kiểm soát hết sức chặt chẽ việc cho thuê mượn tên vì nếu không ngân hàng có thể mất tiền không đòi được.
Sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Công an
Ông Tuấn cho biết, về nguyên tắc, các TCTD phải có trách nhiệm trong việc mở và sử dụng các tài khoản thanh toán, chứ không phải chỉ biết mở và phát triển mạng lưới, rồi các hậu quả và rủi ro thì các cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý. Theo đó thời gian tới, NHNN sẽ có thông tư hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc quản lý rủi trong mở và quản lý tài khoản.
NHNN cho biết hiện đang rà soát khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, NHNN đã trình Chính phủ bộ hồ sơ nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không tiền mặt; đồng thời nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các quy định, cơ chế, chính sách mới. NHNN làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới...
Ngoài ra, một trong những hoạt động đáng chú ý khác là các ngân hàng sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an để trao đổi chia sẻ thông tin, phát triển các nghiệp vụ kiểm soát rủi ro. Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06, Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã có “Bản đồ số” cho phép thống kê, phân tích, dự báo các chỉ số dữ liệu như: mật độ, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, quan hệ hôn nhân, thành phần gia đình…. “Đây là dữ liệu quan trọng mà ngành Ngân hàng rất cần để hoạch định chính sách kinh doanh, chiến lược đầu tư tài chính, tín dụng, mở rộng thị trường, maketing sản phẩm mà không tốn kém chi phí cho khảo sát, đánh giá thị trường” - ông Tấn nói.
Về phía các ngân hàng, năm 2023 một số ngân hàng đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp (giải pháp Match on Card – MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân. Một số TCTD cũng đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư./.