Sẽ rất dài
Tết Canh Tý vừa xong, một cái Tết quá dài. Độ dài của thời gian tâm lý, khi dịch bệnh nguy hiểm hoành hành suốt những ngày Tết. Cùng không ít vụ việc, câu chuyện đáng buồn.
Những hệ lụy dai dẳng, không phải bởi những cái chết vì dịch, vì bị sát hại, mà là thêm một lần giúp nhận chân về tính cách người Việt khi đứng trước những sự việc, hoàn cảnh nguy nan. Đúng hơn là một bộ phận trong tính cách đó, được gọi là thói tật, mà ở đây không cần nhắc lại. Thời gian cần đến sẽ rất dài, để mỗi người có thể tiếp cận và đạt đến suy nghĩ và hành vi chín chắn, văn minh hơn.
Cũng là một cái Tết sâu lắng, chậm rãi hơn bình thường, nhờ những cái đầu tỉnh táo hơn, bớt mê man ngập chìm trong bia rượu như biết bao năm qua. Khi luật phòng chống tác hại bia rượu đã đi vào cuộc sống. Có thể xem đây là một cái “Tết mới”, như cái Tết đầu tiên cả nước không tiếng pháo hồi nào. Dấu mốc tiến bộ này sẽ còn được lưu nhớ rất lâu, có thể sẽ là mãi mãi.
Chứng tỏ dân mình đa phần bị cuốn vào guồng quay bia rượu theo quán tính, bởi sự nể nang, lâu dần thành thói quen. Cộng với thói quen thèm tụ bạ, đùm túm nhiều hơn là thèm hơi men. Chất làng xã, “chén chú chén anh” của người Việt với rượu rất khó thể gọi là “văn hóa” theo nghĩa đầy đủ của nó.
Bỏ Tết ta hay không, không còn là chuyện đáng nói ít ra vào giai đoạn này. Dù “đến hẹn lại lên”, mỗi khi Tết về vẫn xuất hiện tiếng nói của vài chuyên gia đòi “bỏ Tết”. Nhưng với sự xuất hiện của virus Corona, trong cái rủi có cái may, đó là tầm mức của hàng ngàn lễ hội vốn náo động, miệt mài suốt giêng, hai khắp hang cùng ngõ hẻm, có thể sẽ được thu hẹp lại đáng kể. Nói “có thể”, bởi với dân mình, chết không sợ bằng mất lễ.
Cái được của việc hạn chế bia rượu không chỉ là giảm bớt những mạng sống bị tai nạn giao thông cướp đi, mà quan trọng hơn là sự tỉnh thức của con người trước những vấn đề xã hội và bản thân, khi không còn bị bia rượu làm cho u mê, đờ đẫn. Cũng như lễ hội, cúng bái lan tràn cũng cần được giảm bớt, hạ nhiệt, để bớt đi mê muội đối với bộ phận không nhỏ dân chúng bây giờ. Đó mới thực sự là thứ tư duy “âm lịch” cần điều chỉnh. Nhưng được như vậy, cũng cần thời gian dài và rất dài…
Năm Canh Tý sẽ dài hơn bình thường tới 30 ngày vì nhuận hai tháng Tư. Sẽ là 384 ngày, so với 354 ngày như mọi năm. Một khi thời gian và lối sống âm lịch vẫn còn rất sâu nặng trong tâm thức và hành động của người Việt hiện đại, đó hẳn không phải điều đơn giản.
Phải đến khoảng giữa tháng 2/2021 mới Tết Nguyên đán tiếp theo. Có nghĩa trong vòng vài ba tháng trời trước và sau Tết, mọi kế hoạch và hoạt động của cơ quan nhà nước lẫn cá nhân sẽ dễ bị cuốn vào tâm lý “chờ Tết”, “chơi Tết” và cuối cùng là đợi “nguôi Tết”.
Sinh viên, và cả học sinh nhiều nơi vừa được thông báo sẽ được “nghỉ Tết” thêm một tuần, để tránh dịch. Với các bậc cha mẹ, sẽ lại là khoảng thời gian rất dài, trong thời điểm bối rối hiện thời.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/se-rat-dai-1514834.tpo