Sẽ sử dụng số định danh cá nhân để đăng ký doanh nghiệp?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, trong đó bổ sung một số nội dung mới.
Sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp là nội dung mới được bổ sung trong Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
Trong Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Ban soạn thảo giải trình, người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kê khai số định danh cá nhân thì có thể cắt giảm được phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, quy định này sẽ hạn chế tối đa hành vi giả mạo hồ sơ để đăng ký thành lập doanh nghiệp trái pháp luật do các thông tin cá nhân lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các thông tin đã được Bộ Công an xác minh.
Thực tế, đang có tình trạng một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm nhằm mục đích trục lợi hoặc trốn tránh trách nhiệm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, của nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội được quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 122/2020/NĐ-CP.
Trách nhiệm công khai thông tin về doanh nghiệp
Cùng với một số nội dung mới, Dự thảo bổ sung một số nội dung được Luật Doanh nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng đến giờ vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp nào cụ thể hóa.
Trong đó, có nội dung công khai thông tin về cấp mới, thay đổi, thu hồi, chấm dứt hoạt động của giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp trên Hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin về tình trạng hoạt động, tình hình nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, tình hình nợ thuế, tình hình sử dụng hóa đơn, tình hình tuân thủ pháp luật về thuế từ báo cáo thuế; báo cáo tài chính của doanh nghiệp. - Cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử của doanh nghiệp; tình hình nộp thuế Hải quan.
Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và số nợ chưa đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin về tình hình thay đổi lao động trong các doanh nghiệp tại các địa phương tại cơ sở dữ liệu của Cơ quản quản lý nhà nước về lao động.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, cung cấp thông tin về báo cáo tín dụng, báo cáo chấm điểm, xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp...
“Mục tiêu của nội dung này là nhằm xây dựng bộ công cụ giám sát tự động, kiểm soát rủi ro đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập và đánh giá sát hơn nữa tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ làm rõ.
Theo Ban soạn thảo, đây cũng là công cụ để nâng cao hơn nữa công tác dự báo tình hình sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp để có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, chính sách vĩ mô kịp thời, xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đúng lúc, đúng thời điểm, nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước.
Bỏ quy định về việc đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng
Ban soạn thảo đề xuất Dự thảo Nghị định không quy định việc đăng ký kinh doanh của tổ chức tín dụng. "Điều này phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024", Ban soạn thảo giải trình trong Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định; Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Văn bản chấp thuận việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng không quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh. Do đó, việc quy định đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng không còn cơ sở pháp lý.