Sẽ sửa cơ chế đặc thù, thêm nguồn lực đầu tư cho Đà Nẵng

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành nghị định về cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính cho TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, để phù hợp thực tiễn hiện nay, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định này, nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư cho thành phố.

Đà Nẵng thời gian qua đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

Đà Nẵng thời gian qua đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng.

Để Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành. Ngoài ra, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế… đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Dự thảo nghị định thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền thành phố trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của Đà Nẵng. Theo quy định, việc ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP như sau: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Việc sửa đổi như trên, nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu, không phải trả lãi khi được vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố. Đồng thời, huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách; đảm bảo an toàn, bền vững nợ công với việc tăng mức dư nợ vay của thành phố được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, mức vay và bội chi ngân sách địa phương./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-16/se-sua-co-che-dac-thu-them-nguon-luc-dau-tu-cho-da-nang-92309.aspx