Sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp khi đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân
Đề xuất doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nhận được sự quan tâm của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đề xuất này có thể khiến các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động gặp khó.
Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án nhằm tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế để tăng tỉ lệ bao phủ và hướng tới BHYT toàn dân. Trong đó có phương án bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động.
Cụ thể, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do người lao động cùng chủ sử dụng lao động đóng. Trong đó, người lao động đóng 1/3, chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (mức tương tự như trách nhiệm đóng đối với nhóm người lao động).
Đại diện chủ doanh nghiệp vận tải, dệt may cũng cho rằng, nếu phải đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động thì mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm một khoản chi phí rất lớn.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, da giầy có số lượng lao động rất lớn. Tiền đóng các khoản bảo hiểm và phí công đoàn đã cao hơn hẳn các nước trong khu vực và cả Châu Á. Đa phần các doanh nghiệp cho rằng nếu phải gánh thêm khoản phí Bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nữa thì sẽ quá sức.
Cuối năm 2023, cả nước có gần 93,7 triệu người tham gia BHYT, tỉ lệ bao phủ trên 93% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số. Tuy nhiên, theo thống kê từ công đoàn, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, đặc biệt trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.
Do đó, theo các chuyên gia lao động, doanh nghiệp còn đang cắt giảm lao động, giảm giờ làm thêm, BHXH đóng cho người lao động, doanh nghiệp còn nợ lấy tiền đâu ra đóng BHYT cho người thân của lao động. Đề xuất doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nghe nhân văn nhưng thật ra đang gián tiếp làm khó cho doanh nghiệp khi phải “cõng” thêm khoản chi phí lớn. Nhất là với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nếu đóng thêm 1% để mua BHYT cho người thân của lao động cũng đã là một số tiền lớn.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng: Khoảng 8% dân số còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế, khi ốm đau mới mua, nhất là trong các hộ gia đình. Do đó việc vận động mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế cần chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức của chính đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách. Còn doanh nghiệp cần có tích lũy để phát triển, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đề xuất doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động là nhân văn nhưng chỉ nên khuyến khích để doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện. Thay vì việc áp dụng bắt buộc sẽ tạo sự khiên cưỡng và gây sức ép lên doanh nghiệp.
Trước phản hồi từ doanh nghiệp và dư luận, Bộ Y tế lựa chọn phương án giữ nguyên quy định hiện hành. Điều này phù hợp thực tiễn trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp và đảm bảo tiến độ sửa luật để kịp thời có hiệu lực vào năm 2025. Riêng phương án với quy định bổ sung thân nhân lao động vào diện đóng BHYT được cân nhắc thực hiện trong lần sửa đổi tổng thể Luật BHYT thời gian tới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Ngoài mở rộng diện đóng, Bộ Y tế đang đề xuất lộ trình nâng mức đóng BHYT từ năm 2025.