Sẽ tăng mức phạt 50 nhóm vi phạm về giao thông
Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 46...
Vi phạm nồng độ cồn mức 1 cũng bị phạt
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo nghị định lần này sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi vi phạm có nguy cơ mất ATGT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Tùng, trong lĩnh vực đường bộ, dự thảo sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự.
Đối với người điều khiển mô tô, điểm đáng chú ý là dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung mức phạt 500 nghìn - 1 triệu đồng cả ở mức 1. Nghị định 46 hiện nay chưa xử phạt ở mức này. Bộ GTVT cũng đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Hiện nay, hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Quy định tại Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 2 - 4 tháng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, một số hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến ATGT cần nâng mức xử phạt ngay ở mức 1 với mức xử phạt cao. Đối với vi phạm nồng độ cồn mức 3 có thể báo cáo Chính phủ đề nghị Hội đồng thẩm phán chuyển sang phạt theo điều 260 khoản 4 Bộ luật Hình sự.
“Với tâm thế của dư luận hiện nay hoàn toàn có thể làm được việc này, không chỉ đối với vi phạm nồng độ cồn, ma túy mà cả những hành vi khác. Cần tập trung vào những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đã được quy định trong luật là chế tài bước đầu phải nặng. Đơn cử như hành vi đi vào đường cấm hiện đang rất nhẹ đến mức vô lý, hành vi này không chỉ mất an toàn mà còn gây ùn tắc giao thông hay hành vi vượt đèn đỏ, gây tai nạn bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, nghe điện thoại khi đang lái xe… nếu không tăng chế tài sẽ không đảm bảo tính răn đe”, ông Hùng nói.
Đi lùi, chạy ngược chiều trên cao tốc bị phạt từ 16-18 triệu
“
Lần sửa Nghị định 46 này mức phạt phải kịch khung luật cho phép để xử lý đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chúng ta không mong muốn có vi phạm. Những hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy tắc giao thông đã đến giai đoạn phải nghiêm khắc xử phạt thật nặng. Chúng ta không lo thỏa thuận, chung chi. Công an vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nghị định phải nghiêm, không xuề xòa nương tay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
”
Đối với nhóm hành vi trên đường cao tốc, theo ông Hoàng Thế Tùng, dự thảo đang xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan đến đường cao tốc như: Quay đầu trên đường cao tốc tăng từ 400-600 lên 5-7 triệu đồng, tước GPLX 2-4 tháng; lùi xe trên đường cao tốc tăng từ 400-600 nghìn đồng lên 16-18 triệu đồng, tước GPLX 5-7 tháng; đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ 2-3 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng, tước GPLX 5-7 tháng.
Cũng theo ông Tùng, một hành vi mới đáng chú ý khác là dự thảo bổ sung quy định “điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí” bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng.
“Đây là hành vi mới được bổ sung vào dự thảo nghị định theo nhiều kiến nghị cần có chế tài với những xe không lắp thẻ nộp phí đường bộ tự động nhưng cố tình đi vào làn thu phí tự động gây cản trở giao thông, nguy cơ tai nạn, làm mất cơ hội đi lại thuận tiện của những xe đã thực hiện nộp phí tự động”, ông Tùng nói.
Trong lĩnh vực đường sắt, ông Tùng cho biết, dự thảo bổ sung 4 điều; sửa đổi bổ sung 26 điều với 83 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi và 84 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung để phù hợp với Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó bổ sung 1 điều với các quy định đặc thù của đường sắt đô thị và sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản có liên quan đến đường sắt đô thị. Dự thảo cũng tăng mức xử phạt đối với 11 hành vi, nhóm hành vi trong đó có 7 hành vi thuộc nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn cao nhất của người lái tàu, phụ tàu tương đương với mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển xe ô tô.
Không chỉ phạt dân
Một điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi Nghị định 46 lần này là hành vi vi phạm của cơ quan quản lý của ngành giao thông, công an sẽ được nghiên cứu đưa vào dự thảo Nghị định.
Theo ông Hoàng Thế Tùng, dự thảo Nghị định cũng tăng mức xử phạt các tổ chức được giao bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông từ 3-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng cho hành vi không bổ sung kịp thời biển báo hiệu tại các vị trí nguy hiểm. Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng thi hành công vụ như: Chi cục quản lý đường bộ không làm tròn trách nhiệm như để đường ổ voi, ổ gà, vạch sơn, biển báo mờ mà không phát hiện kịp thời cũng bị xử phạt. Tuy nhiên, theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ Nhà nước vi phạm trong quá trình thi hành công vụ, chức trách nhiệm vụ được giao lại không bị xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ bị xử lý theo Luật Công chức.
Đề cập vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Điều 87 Luật Xử phạt vi phạm hành chính không cho xử phép xử phạt cơ quan quản lý nhà nước. Hiện, Nghị định 46 đã xử phạt đối với nhà thầu quản lý đường để vạch sơn mờ, biển báo hỏng không rõ ràng, để đường ổ voi, ổ gà nhưng luật chưa cho phép xử phạt cơ quan quản lý, vì vậy lần này các Bộ, ngành cần trình Chính phủ đề nghị gắn vào điều nào đó để xử lý cán bộ công chức liên quan đến quản lý nhà nước vi phạm.
Chỉ đạo tại cuộc họp về sửa đổi Nghị định 46 được Bộ GTVT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu cần nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt ngay ở vi phạm mức 1, trong đó mức xử phạt ít nhất phải bằng 50% khung cao nhất, mức 2 bằng 2/3 và mức 3 phải kịch khung để đảm bảo tính răn đe. Đối với vi phạm mức 3 cần có những hình phạt bổ sung, một số hành vi nghiêm trọng có thể nghiên cứu chuyển sang xử lý hình sự.
Đề cập đến trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, Bộ trưởng cho rằng, cần sòng phẳng trong xử lý sai phạm của cơ quan Quản lý Nhà nước, ổ voi, ổ gà, biển báo không đồng bộ. Trừ những điểm đã được đề nghị nhưng chưa có vốn sửa chữa thì không xem xét, đoạn đường nào còn tồn tại mà không phát hiện phải xử phạt để nâng cao trách nhiệm trong quản lý hệ thống hạ tầng cũng như bất cập về tổ chức giao thông. Hay như trong đường sắt có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát sinh lối đi tự mở.
“Cần nghiên cứu đưa vào nghị định để xử phạt cả cán bộ vi phạm, không thể chỉ phạt dân mà không phạt cán bộ làm sai”, Bộ trưởng khẳng định.