Sẽ thêm chứng chỉ kỹ năng số khi nâng ngạch phóng viên
Khi nâng ngạch phóng viên, Bộ Thông tin và Truyền thống sẽ đưa nội dung chứng chỉ về kỹ năng số, đây là điều kiện bắt buộc thi đối với phóng viên để làm việc, các cơ quan báo chí chủ quản có thể hỗ trợ...
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 12/11, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động báo chí.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương chất vấn về những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí hay không và nếu điều này là cần thiết thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể nào?
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Hải Dương cũng nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng nhất của báo chí chính là con người, có người làm báo giỏi thì mới có bài báo hay, có chuyên gia giỏi thì nội dung mới có chiều sâu.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí. Lực lượng làm báo chí chưa thích ứng kịp thời với môi trường truyền thông số cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, nghèo nàn, một chiều và thụ động.
Trong khi đó, nhu cầu tiếp nhận chủ động, chia sẻ, kết nối và tham gia sáng tạo của cộng đồng công chúng lại ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Vậy Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này và có những yêu cầu gì đối với đội ngũ người làm báo để nâng cao chất lượng của ngành báo chí trong bối cảnh thời đại số hiện nay.
Trước ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số, văn hóa số; phóng viên phải tự trau dồi vì môi trường số thay đổi rất nhanh.
Về đào tạo kĩ năng số chuyên sâu cho phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, đây là vấn đề của cơ quan báo chí, phải đầu tư thì mới duy trì được tính cạnh tranh trên không gian số.
Khi nâng ngạch phóng viên, Bộ Thông tin và Truyền thống sẽ đưa nội dung chứng chỉ về kỹ năng số, đây là điều kiện bắt buộc thi đối với phóng viên để làm việc, các cơ quan báo chí chủ quản có thể hỗ trợ.
Đại biểu Phạm Nam Tiến - Đoàn Đắk Nông nêu thực tế hiện nay là nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn từ kinh phí chuyển đổi số báo chí đến đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thiếu hụt và một điều đáng lo ngại là tình trạng chảy máu chất xám diễn ra ở nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo giỏi, nhiều biên dịch viên giỏi, kỹ thuật viên giỏi đều có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác.
Để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thì cần có 2 nguồn lực gồm tài chính và con người, trong khi cả 2 nguồn lực này thì đang giảm sút.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta làm công nghệ thay vì tự làm thì thuê, nhất là những cơ quan báo chí nhỏ, còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực thì họ có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê thì chi phí nhỏ hơn và không mất người để vận hành các hệ thống đó.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang cho phát triển nhưng hiện nay chưa xong nhưng cố gắng đầu năm sẽ xong về nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí giai đoạn đầu được miễn phí để hỗ trợ cho các các cơ quan báo chí.
Về vấn đề tài chính, hiện nay nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực, còn đối với những cơ quan báo chí khác thì các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.
Vấn đề khác được đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương đặt ra là hạ tầng viễn thông phát triển sẽ tạo tiền đề cho công nghệ số phát triển và kỷ nguyên số thì giữ vai trò then chốt.
Tuy nhiên đây lại là lĩnh vực khó và mới, để trở thành sự nghiệp toàn dân, theo Bộ trưởng thì Bộ Thông tin và Truyền thông có nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành khác để nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành những môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng có rất nhiều nhà nghiên cứu nói rằng cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số và chắc chúng ta cũng sẽ phải làm quen với không gian này không phải chục năm mà nhiều chục năm và thậm chí dài hơn nữa, giống như chúng ta quen với thế giới thực.
"Vậy chúng ta có nên đưa dạy kỹ năng số, các kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào trong giáo dục phổ thông hay không.
Trong lúc nghỉ giải lao tôi cũng xin ý kiến trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói với tôi rất nên.
Chúng ta đã đưa dạy tin học vào phổ thông, có thể chúng ta nâng cấp việc này lên, vì công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng, tạo ra một cuộc cách mạng về chuyển đổi số" Bộ trưởng nói thêm.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-them-chung-chi-ky-nang-so-khi-nang-ngach-phong-vien.htm