Sẽ thí điểm Điểm hỗ trợ pháp luật miễn phí

Sáng ngày 16/8, Sở Tư pháp phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (thuộc Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình 'Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí' (gọi tắt là Điểm hỗ trợ pháp luật).

Đại biểu dự tọa đàm.

Đại biểu dự tọa đàm.

Theo đó, các hoạt động chính của Điểm hỗ trợ pháp luật là: Tư vấn, cung cấp thông tin pháp luật cho cộng đồng dân cư; tư vấn các thủ tục pháp lý cho các nhóm dân cư yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cộng đồng dân cư; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL; xây dựng, phát hành các tài liệu/công cụ truyền thông, PBGDPL (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, sách, video tiểu phẩm pháp luật...).

Đối tượng hỗ trợ là các nhóm dân cư yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội như: Trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người, người nhiễm HIV, người nhiễm chất độc da cam, người dân tộc thiểu số cư trú ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...; người lao động trong doanh nghiệp và các đối tượng đặc thù khác theo quy định của Luật PBGDPL; người dân khác tại địa phương có nhu cầu tìm hiểu thông tin pháp luật và tư vấn pháp lý.

Ông Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, đóng góp ý kiến.

Ông Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, đóng góp ý kiến.

Điểm hỗ trợ pháp luật hoạt động theo nguyên tắc miễn phí, công bằng, chuyên nghiệp, dễ tiếp cận và trên cơ sở sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện. Đây là mô hình được triển khai xây dựng trên cơ sở xã hội hóa hoàn toàn.

Kế hoạch triển khai được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2024-2025), xây dựng, thành lập thí điểm các mô hình tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tiến hành sơ kết, đánh giá hiệu quả của mô hình, làm cơ sở để tiến hành nhân rộng mô hình. Giai đoạn 2 (năm 2026 trở đi), thực hiện phát triển, nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo kế hoạch triển khai thí điểm mô hình, trong đó thống nhất cho rằng mô hình này cần thiết được triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng cần bổ sung thêm trợ giúp viên pháp lý và đoàn viên thanh viên vào mô hình để có những kết quả khả quan hơn, chế độ cho các luật sư tham gia…

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/se-thi-diem-diem-ho-tro-phap-luat-mien-phi-a33980.html