Sẽ thử nghiệm triển khai dịch vụ công về bảo trợ trẻ em trong tháng 10/2024
Hội thảo đã cùng thống nhất quy trình 8 bước để triển khai các dịch vụ công do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam định hướng, hoạt động thử nghiệm sẽ được triển khai vào tháng 10/2024.
Ngày 10/9/2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có Ban Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các đơn vị phối hợp.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đinh Tiến Hải cho biết, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Các quyền của trẻ em được chú trọng và thúc đẩy để thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên từ thực tế xã hội cho thấy việc thực hiện các chương trình để trẻ em có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phát triển toàn diện còn có gặp hạn chế như: hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển toàn diện của trẻ em còn bất cập (thiếu các loại hình dịch vụ, diện bao phủ dịch vụ thấp, thiếu sự kết nối... khiến trẻ em và gia đình chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận đầy đủ các dịch vụ).
Cùng với đó, việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ của trẻ em và gia đình ở các vùng khó khăn còn gặp nhiều bất cập do mức độ sẵn có, khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống còn hạn chế; việc truyền thông cho cha mẹ/người chăm sóc hiểu về phát triển toàn diện của trẻ em ở các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu. Vẫn còn số lượng lớn cha mẹ/người chăm sóc chưa được tư vấn, hướng dẫn về phát triển toàn diện của trẻ em.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về trợ giúp xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo phân cấp quản lý của Bộ, quy định của pháp luật.
Tại hội thảo, đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Viện nghiên cứu, khoa học, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng đã và đang triển khai các dịch vụ hỗ trợ trẻ em trong xã hội… đã thảo luận về các vấn đề: tổng quan về dịch vụ công; một số dịch vụ hỗ trợ trẻ em hiện có trong thực tế; định hướng về danh mục dịch vụ công do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện trong thời gian tới.
Trình bày tham luận về “Tư vấn, dạy nghề cho người khuyết tật”, bà Nguyễn Thị Phương Oanh, Trưởng cơ sở thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân cho biết, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê hiện nay cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật (trong đó 31, 7% người khuyết tật trung bình và 7.8% người khuyết tật nặng đã có việc làm còn lại 60,5% hiện đang thất nghiệp). Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động nhưng số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm vẫn còn rất kiêm tốn.
Qua khảo sát sơ bộ trên địa bàn TP Hà Nội đã có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật nhưng có một điểm chung ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này là dạy cho người khuyết tật những nghề nghiệp mà họ sẵn có. Bên cạnh đó, không có các chương trình định hướng nghề nghiệp riêng cho người khuyết tật. Đặc biệt chưa bảo đảm được khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Từ thực trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân đã cho ra đời mô hình hướng nghiệp nghề làm oản nghệ thuật và sắp lễ thủ công cho thanh thiếu niên khuyết tật.
Hội thảo đã cùng thống nhất quy trình 8 bước để triển khai các dịch vụ công do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam định hướng, hoạt động thử nghiệm sẽ được triển khai vào tháng 10/2024.