Sẽ triển khai thêm Chứng quyền trên chỉ số và mở rộng danh mục chứng khoán cơ sở
Để hoàn thiện cấu trúc sản phẩm CW, HSX đang nghiên cứu mở rộng thêm danh mục chứng khoán cơ sở, chẳng hạn hiện đang dựa trên VN30 và cộng thêm 1 số tiêu chí khác.
Tại buổi họp báo và tổng kết thị trường Chứng quyền có bảo đảm (CW), các cơ quan quản lý, tổ chức phát hành đều có chung nhận định, thị trường CW phát triển khá nhanh từ lúc mới thành lập cho đến nay, tuy nhiên, vì là sản phẩm mới nên cần thêm thời gian để sản phẩm đi sâu hơn vào công chúng đầu tư.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý đang cải thiện, nghiên cứu các giải pháp để phát triển sâu rộng hơn nữa cho thị trường CW, chẳng hạn cải thiện thủ tục phát hành cho các, mở rộng danh mục chứng khoán cơ sở để phát hành CW, các CW trên chỉ số, và thực hiện theo lộ trình về việc có chứng quyền bán, thay vì chỉ chứng quyền mua như hiện nay.
Theo tổng kết của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSX), thị trường CW với ngày đầu tiên chỉ có 10 mã CW chào bán dựa trên 6 chứng khoán cơ sở và với 7 tổ chức phát hành, tổng khối lượng 21,9 triệu CW, thì sau 1 năm, có 134 mã CW được chào bán, với khối lượng 410,2 triệu CW trên 22 chứng khoán cơ sở và 8 tổ chức phát hành.
Trong đó, có 11 đợt chào bán bổ sung, với khối lượng 51,2 triệu CW. Tỷ lệ chào bán sơ cấp khoảng 40% (ngày 28/6/2019), đến cuối tháng 5/2020 là 11%…
Theo bà Hồ Ngọc Đoan Trang, Giám đốc Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm HSX, con số này thể hiện rõ đặc tính sản phẩm là tỷ lệ chào bán sơ cấp là thấp và tổ chức phát hành đưa ra phân phối trên thị trường thứ cấp nhiều hơn.
Sau 3 tháng, số lượng mã CW phát hành mới tập trung cao điểm tháng 10/2019, đầu năm 2020 và số lượng chào bán mới thấp nhất ở tháng 3 – đi theo diễn biến của thị trường.
Về trạng thái phát hành, đa phần các mã CW đều ở trạng thái OTM (55%), trạng thái ATM (3%), ITM 42%. Với 134 mã, thời gian đáo hạn tập trung ở 3 tháng, còn 3-6 tháng 69 mã, 6-9 tháng 13 mã….đa phần mã CW tập trung ở mã có đáo hạn ngắn.
Top 3 tổ chức phát hành về giá trị phát hành là SSI, KIS và HSC – chiếm 70% tổng giá trị phát hành trên toàn thị trường CW. Top 5 cổ phiếu cơ sở được phát hành CW là MWG, FPT, HPG, VNM và MBB – là những mã có tiềm năng phát triển tốt. Số lượng chứng khoán cơ sở được tổ chức phát hành chọn đa dạng hơn, hiện có 22 mã để có nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư.
Về hạn mức phát hành, theo quy định, việc quy đổi CW sang chứng khoán cơ sở chỉ được 10% trên tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Hiện nay, hạn mức còn lại vẫn đang còn khá nhiều.
Liên quan đến tình hình giao dịch CW, khối lượng giao dịch bình quân ngày là 4,3 triệu/ngày (tăng so với giai đoạn đầu chỉ 2,9 triệu/ngày), nước ngoài chiếm 13% - chủ yếu là phần tạo lập thị trường của tổ chức phát hành là KIS (khối lượng giao dịch của KIS bình quân ngày: 1,48 tỷ đồng, Chiếm 95,1% khối lượng giao dịch nước ngoài), còn tỷ trọng tạo lập thị trường chiếm 40,35%.
Bà Trang cho biết, giao dịch phòng ngừa rủi ro chiếm 0,8% so với toàn thị trường, đóng góp vào thanh khoản toàn thị trường.
Sau 1 năm vận hành, ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng mã chào bán, thanh khoản, và hoạt động quản lý vận hành khá an toàn. Với tổ chức phát hành với các mã đáo hạn đều trả được tiền cho nhà đầu tư khá tốt, các hoạt động hedging tuân thủ đúng quy định.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, HSX sẽ hoàn thiện hơn khung pháp lý, hiện đã có dự thảo và báo cáo ủy ban về Thông tư 107/2016/TT-BTC. Về vấn đề phát triển nhà đầu tư, thông lệ quốc tế thì để CW bền vững thì đào tạo nhà đầu tư là cốt lõi, hướng đến trình độ nhà đầu tư và tổ chức phát hành là phải tương đương nhau. HOSE vừa có bảng khảo sát thông qua CTCK để gửi tới nhà đầu tư sau 1 năm vận hành để đánh giá thêm về múc độ hiểu biết của nhà đầu tư về sản phẩm, và những khó khăn nếu có trong qua trình giao dịch CW để có hành động, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Để hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, HSX đang nghiên cứu mở rộng thêm danh mục chứng khoán cơ sở, chẳng hạn hiện đang dựa trên VN30 và cộng thêm 1 số tiêu chí khác, nay sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng danh mục, đồng thời có thêm các chứng quyền dựa trên các tài sản khác như chỉ số, ETF, nghiên cứu thêm chứng quyền bán để triển khai theo đúng lộ trình của UBCK NN.
Ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, UBCK cũng chia sẻ, Luật Chứng khoán 2019 đã được Quốc Hội thông qua tháng 11/2019. Hiện UBCK đang gấp rút hoàn thiện các văn bản, Nghị định chi tiết, Thông tư hướng dẫn thi thành, trong đó CW là sản phẩm đầu tư trên thị trường và triển khai thời gian tới.
Hiện UBCK thực hiện 2 nhóm giải pháp chủ yếu là hoàn thiện thể chế, cụ thể là Thông tư 107, đánh giá ban đầu thì Thông tư này tiếp tục có giá trị và sẽ cải thiện, bổ sung, sửa đổi tiếp các nội dung còn bất cập, đặc biệt trong giai đoạn phát hành sẽ theo hướng giảm thiểu thủ tục và thời gian chấp thuận chào bán và niêm yết. Thứ hai là đa dạng hóa sản phẩm, dự kiến mở rộng danh mục chứng khoán cơ sở thay vì chỉ dựa trên rổ VN30.
Về chứng quyền bán, khi gói thầu của hệ thống mới đưa vào sử dụng, hệ thống vay và cho vay chứng khoán được áp dụng đại trà thì vấn đề phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền bán thì việc triển khai sẽ hoàn toàn khả thi.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, CW đang được vận hành tốt và nhiều nhà đầu tư quan tâm tới sản phẩm. Việc giới thiệu CW trên thị trường Việt Nam bước đầu là thực hiện thành công, với tư cách là nhà phát hành thì nhận thấy rằng, đã có khung pháp lý hoạt động hiệu quả, an toàn, có thể kiếm tiền trên thị trường này dù thời gian qua thị trường biến động tiêu cực với chứng quyền mua, nhưng hSC vẫn hoạt động tốt.
Ông Giang có kiến nghị, sắp tới cải thiện thủ tục phát hành để nhanh hơn. Mỗi lần phát hành vài ba chục mã thì thủ tục như hiện nay khá phiền hà, đắt đỏ, và thời gian kéo dài. Ngoài ra, một só việc phát hành thì có thể kèm luôn niêm yết, không cần IPO vì CW không phải cổ phiếu.
Kế hoạch của HSC là phát hành lên 100 mã CW nếu thị trường tốt, khi đó, nhu cầu của công ty là các thủ tục cần phải được làm nhanh hơn. Đồng thời, mong đợi danh mục cổ phiếu cơ sở được mở rộng ra, còn như hiện nay đang hạn chế. Muốn phát hành chứng quyền dựa trên chỉ số, chẳng hạn VN30 là chỉ số tốt để phát hành, hoặc các chỉ số mới như Diamond, VN Lead…không phải lo ngại về thanh khoản.
Mặt khác, ông Giang cũng cho rằng, cần nâng cấp hệ thống giao dịch từ Sở, bởi khi quy mô thị trường tăng lên, lệnh vô nhiều có thể khiến hệ thống không ổn định, hiện nay chỉ khoảng 30 lệnh/giây là đã thấy có vấn đề. Đồng thời đề xuất miễn phí, giảm phí đối với tài khoản tự doanh của CTCK.