Sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị cân nhắc nội dung này vào chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 10, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều nay (17/9) về chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo đề nghị của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, kỳ họp dự kiến bổ sung một số nội dung.
Nội dung bổ sung, theo ông Phúc, là đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020.
Trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh.
Chương trình cũng bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (để thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau cùng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025).
Tương tự kỳ họp trước, kỳ họp thứ 10 dự kiến được bố trí thành 2 đợt, trong đó đợt 1 thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; 2 dự án luật trình cho ý kiến và các báo cáo về công tác tư pháp.
Đợt này Quốc hội cũng nghe trình bày các tờ trình, báo cáo (trong đó có việc xem 2 video clip báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực).
Tại đợt 2, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định các nội dung: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII và 4 dự án luật trình cho ý kiến; Nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA cũng được bố trí vào đợt họp này.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19,5 ngày (trong đó đợt 1 là 8 ngày, đợt 2 là 11,5 ngày).
Đợt 1 bắt đầu ngày 20-10 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc ngày 28-10; đợt 2 bắt đầu từ ngày 3-11 đến bế mạc kỳ họp, ngày 17-11 (để tạo điều kiện cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cố gắng không bố trí Quốc hội họp ngày 18-11).
Nêu ý kiến thảo luận sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, qua trao đổi, Tổng thư ký Quốc hội có đặt vấn đề có nội dung đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh.
"Chắc sau này có bổ sung thêm chương trình miễn nhiệm Bộ trưởng Chu Ngọc Anh" - ông Dũng nói.
Giải trình thêm nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về chương trình nhân sự, Văn phòng Quốc hội dự kiến ghép vào nội dung bãi nhiệm đại biểu Quốc hội (đối với đại biểu Phạm Phú Quốc, Đoàn TPHCM –PV).
“Còn 2 chỗ liên quan tới nhân sự. Chỗ y tế có làm nhân sự không? (nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế - PV), thì 2 nhân sự này ghép cùng nội dung, đề nghị các đồng chí cho ý kiến sớm” – ông Phúc nói.
Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn phiên họp nữa trong tháng 10, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các đại biểu có ý kiến sớm để bố trí nội dung cho khoa học.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sẽ có 2 - 3 nhân sự, nhưng bà Phóng không tán thành việc bãi nhiệm và bổ nhiệm lại ghép vào một nội dung.
“Bãi nhiệm làm trước đi, không thể làm chung với việc bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ các đồng chí Trung ương, miễn nhiệm do phân công công tác mới” – bà Phóng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phóng, thời gian làm nội dung này sẽ lâu bởi phải kiểm phiếu.
“Đề nghị Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu chú ý, đặc biệt là hòm phiếu, màu phiếu để tránh nhầm lẫn” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.