Sẽ xem xét tăng đại biểu chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội

Chiều 10-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 51, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu chuyên trách tại Hà Nội hoạt động hiệu quả

Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quy định, việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại quận, phường của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết nói trên, lấy ví dụ về HĐND thành phố Hà Nội khóa XV có 18 đại biểu chuyên trách đã hoạt động hiệu quả trong nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, theo quy định của dự thảo Nghị quyết thì số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của Hà Nội thấp hơn so với thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng số lượng, nếu không tăng thì cần có cơ chế cho HĐND thành phố Hà Nội giữ tối đa 18 đại biểu hoạt động chuyên trách như hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, HĐND thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Đây là đề nghị có cơ sở, cần xem xét nhưng chưa đủ thủ tục để đưa vào dự thảo Nghị quyết.

“Tôi đề nghị cần thực hiện đầy đủ các thủ tục về thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì mới đưa vào dự thảo Nghị quyết”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm, nếu tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở Hà Nội thì chỉ tăng ở cấp quận vì thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định nhiệm vụ của HĐND cấp phường được giao cho HĐND cấp quận, thị xã nhưng không làm tăng số lượng biên chế được giao của địa phương.

Đây cũng là ý kiến được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nếu trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Cần tuân thủ các quy định của pháp luật về bầu cử

Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung quy định, việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú nhưng phải có thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục từ đủ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến.

Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi sinh sống khác nhau nhưng không đủ 6 tháng liên tục thì tổ chức hội nghị cử tri ở nơi người ứng cử đã thường trú hoặc tạm trú trước đó.

Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nơi có dưới 150 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể và phải bảo đảm có trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 150 cử tri trở lên thì mời cử tri đại diện hộ gia đình tham dự và phải bảo đảm có trên 50% số cử tri là đại diện hộ gia đình tham dự.

Thảo luận về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần bảo đảm tuân thủ, giữ đúng nguyên tắc đã được quy định trong luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, việc lấy ý kiến nơi cư trú người ứng cử có nơi ở, làm việc và nơi gia đình sinh sống khác nhau thì lấy ý kiến ở nơi gia đình sinh sống; số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú giữ nguyên như quy định hiện hành là khoảng 100 cử tri…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Kết luận các nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/985792/se-xem-xet-tang-dai-bieu-chuyen-trach-tai-hdnd-thanh-pho-ha-noi