Sẽ xử lý nghiêm hành vi tung tin đồn thổi gây 'sốt' đất ảo
Theo các chuyên gia về bất động sản, khi quỹ đất còn rất lớn và nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn không tăng đột biến, nhưng giá đất vẫn tăng nhanh bất thường thì không loại trừ đó là biểu hiện của tình trạng 'cò' đất đẩy giá gây 'sốt' ảo nhằm thu lợi bất chính, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản.
Ông Vũ Văn Chiến, ở phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho biết: Những năm 1997, 2000 đến 2005 trên địa bàn thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) cũng đã xảy ra tình trạng “sốt” đất. Một phần là do sau những năm đầu tái lập tỉnh nhu cầu mua đất ở, xây dựng, sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Mặt khác do sự mua đi bán lại giữa các “đại gia” đã đẩy giá đất lên cao hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế của người dân. Điều đó đã tạo ra mặt bằng giá mới cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tại thời điểm đó và so với thu nhập của người dân.
Nếu thị trường bất động sản lặp đi, lặp lại nhiều đợt sốt đất, mà phần nhiều là “sốt" ảo, giá đất sẽ bị đẩy lên quá cao so với giá trị thật dưới tác động của một số tổ chức, cá nhân. Hậu quả là tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây nên tình trạng "bong bóng". Một khi "bong bóng" vỡ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, những người đổ tiền vào đầu cơ, tích trữ. Thêm vào đó, các dòng vốn trong xã hội không được tập trung vào phát triển, sản xuất, không thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Anh Nguyễn Văn Quân, ở phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, một người kinh doanh bất động sản chia sẻ kinh nghiệm: Trong những đợt "sốt" ảo, người nào tham gia sớm và rút ngay khỏi thị trường thì có lãi, còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì khả năng đổ vỡ, lâm nợ, thậm chí là phá sản... rất cao. Mặt khác, “sốt đất” còn làm mất cơ hội có nhà ở của nhiều người lao động có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và trật tự quản lý kinh tế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc thiếu minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản.
Ông Dương Hữu Bường, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn khẳng định: Thời điểm này không có chuyện thiếu đất ở cho người dân. Những năm gần đây, thành phố Bắc Kạn đã đầu tư nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng, khu dân cư, tạo ra quỹ đất rất lớn cho người dân và sự phát triển của thành phố.
Các chương trình, dự án mở rộng quy hoạch thành phố, phát triển kết cấu hạ tầng lớn có thể kể đến như: Dự án tuyến theo đường cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn; tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể; Dự án Khu dân cư thôn Phặc Tràng I, II; dọc tuyến đường Trường Chinh, Dự án Khu đô thị Bắc Sông Cầu phân khu A, B, Dự án khu dân cư Đức Xuân 4, Dự án khu dân cư sau đồi Tỉnh ủy, Dự án khu dân cư Central Hill; Dự án Phố chợ Minh Khai, các tuyến đường vành đai...
Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, tránh tình trạng "sốt" đất ảo gây thiệt hại kinh tế cho người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin, đồn thổi, quảng cáo thất thiệt để lợi dụng trục lợi, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng xấu đến đời sống dân sinh và tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.
Đồng thời các cấp chính quyền và ngành chuyên môn cần tăng cường thông tin cảnh báo người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật; thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch, mua bán, trao đổi đất./.