Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, các dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/11/2023. Các mốc thời gian giải ngân vốn cụ thể của từng loại dự án.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ MinhTuấn đã ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Có biện pháp xử lý theo quy định đối với tập thể, người đứng đầu đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, bị thu hồi hoặc điều chuyển vốn.

Cụ thể, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đối diện với khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, để thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023) đòi hỏi tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa và các chủ đầu tư.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, các dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/11/2023. Các mốc thời gian giải ngân vốn cụ thể của từng loại dự án.

Đối với các dự án đã hoàn thành (dự án đã hoàn thành có quyết toán và dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt) các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, bảo đảm trước ngày 28/02/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Các dự án chuyển tiếp (dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023, dự án hoàn thành sau năm 2023, dự án giãn hoãn tiến độ, thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật) các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu lên phiếu giá khối lượng đã hoàn thành, trước ngày 31/3/2022 phải giải ngân đạt từ 30%, trước ngày 30/5/2023 phải giải ngân đạt từ 50% và trước ngày 30/8/2023 phải giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn năm 2023 trở lên.

Đối với các dự án khởi công mới và các dự án chuẩn bị đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch chi tiết ngay từ cuối năm 2022 phải khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục; lựa chọn đơn vị thi công (đối với dự án khởi công mới) để triển khai đúng tiến độ; trước ngày 30/6/2023 phải giải ngân đạt từ 50% và trước ngày 30/8/2023 phải giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn năm 2023 trở lên.

Với các dự án chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch chi tiết thì căn cứ danh mục dự án đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Nghị quyết số 346/NQHĐND ngày 11/12/2022, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư (đối với các dự án khởi công mới), phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (đối với dự án chuẩn bị đầu tư) trước ngày 28/02/2023, làm cơ sở giao kế hoạch chi tiết theo quy định.

Đối với các dự án được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/6/2023 phải giải ngân đạt 60% và trước ngày 30/9/2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Được biết, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2023 là hơn 12.505 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương hơn 8.805 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 7.100 tỷ đồng; vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 23 tỷ đồng; vốn chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước gần 1.500 tỷ đồng; vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương hơn 193 tỷ đồng. Còn vốn ngân sách trung ương làm gần 3.700 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước hơn 3.268 tỷ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài hơn 431 tỷ đồng.

Năm 2022, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công khá thấp. Thời điểm cuối năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các sai sót ở nhiều dự án đầu tư công năm 2022. 7 dự án được kiểm tra gồm: Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư; Dự án Xây cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, vay vốn AFD do UBND huyện Ngọc Lặc làm chủ đầu tư.

Đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Dự án Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc và Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung do Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư; Dự án Đường nối Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư; Dự án Tuyến đường ven biển thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm kiểm tra, 7/7 dự án đang trong thời gian thực hiện, trong đó có 3 dự án chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, 3 dự án đang tạm dừng thi công. Trong số 7 dự án, có 2 dự án chậm tiến độ so với hợp đồng thi công xây dựng, đã hết thời gian thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, 1 dự án chưa thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy có 7/7 dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân.

Cụ thể, như Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập có tổng vốn đã bố trí là gần 430 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 là 150 tỷ đồng, số vốn chưa giải ngân là gần 75 tỷ đồng; Dự án đường nối Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, năm 2022 mới giải ngân vốn đạt 14%... Có 4/7 dự án có số dư ứng đến thời điểm kiểm tra là hơn 30 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án có số dư ứng kéo dài, có bảo đảm tạm ứng đã hết thời hạn bảo lãnh nhưng nhà thầu chưa gia hạn hoặc nộp bảo lãnh tiền tạm ứng bổ sung theo quy định.

Trong số 7 dự án kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện 4 dự án (3 dự án chưa thi công xây dựng) vi phạm chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Ngoài ra một số dự án có sai sót khi chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ việc cung cấp, đăng tải thông tin trong đấu thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho hay: “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Thanh Hóa đã đặt ra. Đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật về đầu tư công, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu từ tỉnh, huyện, xã phải nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra. Quá trình thực hiện kiên quyết, kiên trì và linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư, các dự án. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.”

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/kinh-doanh/se-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-neu-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-503742.html