Sẽ xuất khẩu 9 triệu USD sản phẩm nhãn Sơn La trong năm 2020
Dịch Covid-19 khiến các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn Sơn La không thuận lợi như mọi năm. Song theo dự báo, trong năm nay, Sơn La vẫn sẽ tiêu thụ thành công 70.000 tấn nhãn, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 57.000 tấn, xuất khẩu 7.900 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 9 triệu USD.
Đã thành thông lệ, tháng 7 hàng năm là dịp Sơn La vào mùa nhãn. Từ một loại nông sản chỉ trồng tự phát, phục vụ chủ yếu tự cung tự cấp, những năm gần đây, việc trồng nhãn đã được tỉnh chú trọng nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Cụ thể, Sơn La đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP... Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, các nông dân đã biết liên kết trong các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có 203 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trồng nhãn theo quy trình mới, nhãn chất lượng cao, với hơn 2.500 ha, chiếm hơn 25% diện tích nhãn toàn tỉnh. Trong đó, nhãn được cấp mã số vùng trồng ngày càng mở rộng. Tới nay, có 207,6 ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia; 2415 ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2020, nhãn Sơn La tiếp tục được mùa, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn tăng lên. Diện tích nhãn toàn tỉnh đạt khoảng 17.292 ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn. Trong đó, vùng trồng nhãn huyện Sông Mã có diện tích lớn nhất, với trên 7.000 ha, sản lượng 38.000 tấn.
Cùng với nâng cao chất lượng, hoạt động xúc tiến tiêu thụ cũng được tổ chức thông qua nhiều kênh. Trong đó, đặc sắc nhất là bắt đầu từ năm 2017, hằng năm, huyện Sông Mã đều tổ chức “Ngày hội nhãn Sông Mã” nhằm quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu sản phẩm nhãn. Nhờ đó, không chỉ tránh được tình trạng được mùa mất giá, những năm gần đây, nhãn Sơn La đã xuất hiện ở hầu khắp các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sơn La hiện đã kết nối, duy trì 144 chuỗi cung ứng an toàn, trong đó chuỗi cung ứng quả an toàn đạt 90 chuỗi, với tổng diện tích sản xuất 1.726 ha để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như: VinMart, BigC, Lotte, Hapro… đồng thời, mở rộng thị trường đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An…
Cùng với tiêu thụ trong nước, nhãn Sơn La cũng được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng. Hiện sản phẩm đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính khác như: Mỹ, Nhật, Australia…
Để tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm nhãn trước khó khăn do dịch Covid-19, vụ nhãn năm nay, tỉnh Sơn La dự kiến sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu vùng trồng nhãn Sông Mã (Sơn La) với hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) vào sáng 1-8 tới. Đây sẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường Trung Quốc.
Ước tính, trong số hơn 70.000 tấn nhãn, tiêu thụ trong nước khoảng 57.000 tấn, xuất khẩu 7.900 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 9 triệu USD. Nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm đến các địa phương ký hợp đồng thu mua với các HTX và người dân sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP để đưa hàng đi xuất khẩu tiêu thụ.
Trong khâu chế biến, tỉnh Sơn La tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng một số nhà máy chế biến nông sản. Hiện Sơn La đã có 4 nhà máy và trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 3 nhà máy trên địa bàn huyện Vân Hồ, Mộc Châu... Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.