SEA Games 31: Nỗ lực Việt Nam, dấu ấn Việt Nam!
'SEA Games 31 đã được tổ chức thành công một cách thuyết phục', tuyên bố của trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tại cuộc họp báo tổng kết sáng 23/5 có thể xem là lời tổng kết ngắn gọn, đầy đủ nhất cho những ngày tranh tài cảm xúc, với nhiều kỷ lục của Đại hội thể thao Đông Nam Á 2022.
SEA Games 31 không chỉ thành công về mặt chuyên môn, công tác tổ chức, sự kiện thể thao lớn này còn thể hiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mạnh mẽ và đáng yêu, xuất sắc vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm nên những kỳ tích lịch sử.
Nỗ lực vượt bậc của nước chủ nhà
Tối 23/5, Lễ bế mạc gọn nhẹ và cô đọng đã khép lại 17 ngày tranh tài sôi nổi của Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2022. Dù không có một bữa tiệc âm thanh và ánh sáng hoành tráng như đêm khai mạc, nhưng câu quan họ da diết với lời chào giã bạn mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Tất cả thực sự ấn tượng về một kỳ SEA Games thành công rực rỡ, thắm đậm tình đoàn kết, hữu nghị và tinh thần thể thao cao thượng, bất chấp việc nước chủ nhà phải đối đầu với nhiều khó khăn và thử thách chưa từng có.
Quả thật, Việt Nam tổ chức được SEA Games 31 là một thành công ngoài sức mong đợi. Gần một năm trước, rất nhiều người không tưởng tượng được rằng một sự kiện lớn như Đại hội thể thao Đông Nam Á có thể được tổ chức quy mô như thế.
Còn nhớ vào tháng 7/2021, tức 4 tháng trước khi SEA Games 31 dự kiến được tổ chức, đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp ở thành phố Hà Nội. Thủ đô buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng trong khi nhiều thành phố phải áp đặt các quy định nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mọi hoạt động xã hội bị đình trệ, lúc ấy không chỉ những người hâm mộ thể thao mà ngay cả những người làm công tác tổ chức và vận động viên (VĐV) cũng tỏ ra vô cùng lo lắng cho SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021. Thực tế, Đại hội thể thao Đông Nam Á buộc phải lùi lại 6 tháng do tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Ngọn đuốc Olympic được thắp lên đánh dấu sự khởi đầu của SEA Games 31 tại Việt Nam. Ảnh: Quang Hùng
Tuy nhiên, bằng quyết tâm ngăn chặn đại dịch và nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường, cả hệ thống chính trị đã dồn sức cho nhiệm vụ chống dịch. Tiêm chủng được triển khai thần tốc cùng những chính sách chống dịch đúng đắn, COVID-19 dần được đẩy lùi, Việt Nam cho thấy quyết tâm tổ chức SEA Games 31, để không bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Chỉ trong chưa đầy 6 tháng kể từ khi ấn định lại thời điểm tổ chức SEA Games 31 (ngày 12/5/2022), nước chủ nhà Việt Nam đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, với nỗ lực cao nhất để hướng tới một kỳ đại hội an toàn và thành công.
Bất chấp những lo lắng về một kỳ SEA Games có thể sẽ phải diễn ra mà không có khán giả bởi đại dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, lễ khai mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á cuối cùng đã diễn ra suôn sẻ vào ngày 12/5. Đó là một màn trình diễn hoành tráng về âm thanh và ánh sáng, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, toát lên hình ảnh đẹp nhất về một đất nước thân thiện, hiếu khách, cùng tinh thần thể thao cao thượng, hòa nhịp với 11 quốc gia Đông Nam Á để cùng nhau tỏa sáng và mạnh mẽ hơn, vượt qua đại dịch COVID-19.
Ấn tượng cổ động viên Việt Nam
Trong thành công của SEA Games 31, hình ảnh những khán đài tràn ngập khán giả, những nhà thi đấu rộn tiếng hò reo có lẽ là dấu ấn đậm nét nhất. Sự cuồng nhiệt tại SEA Games 31 không chỉ có ở ngày đầu tiên, trong lễ khai mạc, mà kéo dài đến giờ phút cuối cùng, với điểm nhấn là chảo lửa Mỹ Đình có sự góp mặt của hơn 4 vạn khán giả nhuộm đỏ các khán đài, để cổ vũ cho trận chung kết môn bóng đá nam giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan.
Truyền thông quốc tế từ bất ngờ đến thích thú, rồi đắm say cùng bầu không khí chưa từng có ở một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á và cũng chưa từng có tại châu Á trong suốt gần 3 năm đại dịch. Hàng trăm bài báo từ các hãng thông tấn, báo chí quốc tế đăng tải hình ảnh về những khán đài đặc kín người trên sân Thiên Trường (Nam Định), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Việt Trì (Phú Thọ), rồi tại rất nhiều nhà thi đấu ở Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... ở đâu cũng chật ních người, với cờ, trống, băng rôn, khẩu hiệu, tạo ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.
Trưởng đoàn U23 Thái Lan Madam Pang và các cầu thủ U23 Thái Lan đi bộ quanh sân cảm ơn khán giả trên sân Thiên Trường. Ảnh: Tiên Phong.
Tại sân Thiên Trường hay sân Việt Trì, nơi diễn ra các trận đấu bóng đá, các cổ động viên Việt Nam thực sự làm lay động trái tim cầu thủ của các đội bóng nam tham dự, bởi sự cổ vũ nhiệt tình, không phân biệt quốc gia hay màu cờ, với những màn cổ vũ đồng thanh vang tên các đội bóng. Các trận đấu bóng đá tại SEA Games không đơn thuần là ngày hội nữa, nó đã trở thành cây cầu nối kết tình hữu nghị Đông Nam Á.
Trên sân Cẩm Phả, hình ảnh hàng nghìn người thức xuyên đêm để xếp hàng chờ vé vào sân cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mang lại cảm xúc đặc biệt mà theo như một phóng viên của tờ Bangkok Post (Thái Lan) chia sẻ rằng anh không thể tin được vào những gì chứng kiến tại SEA Games 31. Chính một thành viên trong Ban huấn luyện đội tuyển kurash Malaysia, bà Pik Yee Susan Cheah cũng thừa nhận bầu không khí trên các khán đài làm các VĐV phấn khích hơn, tạo ra thành tích tốt hơn.
Rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, khi mà nước chủ nhà Nhật Bản phải tổ chức Olympic Tokyo 2021 trong bối cảnh không có khán giả và việc Trung Quốc phải hoãn vô thời hạn ASIAD 2022 vì dịch bệnh, thì hình ảnh các khán đài chật kín khán giả ở SEA Games 31 không chỉ là minh chứng hùng hồn cho thấy một Việt Nam an toàn, vượt qua bệnh dịch và cuộc sống bình thường đã trở lại, mà còn là biểu tượng của sự nhiệt tình, niềm đam mê thể thao vô bờ, con người thân thiện, mến khách, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp văn hóa và con người Việt Nam, lan tỏa thông điệp vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.
Kỳ SEA Games thành công vượt bậc với thể thao Việt Nam
Đoàn thể thao Việt Nam bước vào SEA Games 31 với nhiều nỗi lo. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều VĐV không có cơ hội ra nước ngoài tập huấn và thi đấu, thậm chí ngay cả ở trong nước, nhiều bộ môn cũng không thể đảm bảo quá trình tập luyện bởi lệnh giãn cách và nhiều lý do khác.
Bên cạnh đó, lực lượng của đoàn thể thao Việt Nam cũng chịu tổn thất với nhiều VĐV tên tuổi vắng mặt như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi, Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ, Lê Tú Chinh ở môn điền kinh… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu săn vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Vì những lẽ đó, có thời điểm lãnh đạo ngành thể thao chỉ dám đặt mục tiêu 100 HCV thay vì 140 HCV.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành 5 HCV SEA Games, phá 4 kỷ lục - Ảnh: Ngọc Dương
Tuy nhiên, khi lá cờ Olympic của Đại hội thể thao Đông Nam Á hạ xuống, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được tổng cộng 205 HCV, phá kỷ lục 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997. Đây thực sự là một kỳ tích tuyệt vời của thể thao Việt Nam, nó cho thấy sức mạnh, bản lĩnh và quyết tâm thi đấu của các VĐV nước chủ nhà.
Nói về thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam, trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết ông bất ngờ với điều này, nhưng khẳng định SEA Games 31 diễn ra sòng phẳng và khách quan. Thậm chí, ông nhấn mạnh rằng đây là kỳ đại hội cạnh tranh khốc liệt nhất của các nước đứng đầu khu vực. Thành công của Đoàn thể thao Việt Nam xuất phát từ nỗ lực từ mỗi VĐV và nhiều VĐV đã giành được những HCV ngoài mong đợi, bởi mong muốn được thể hiện khi được thi đấu trên sân nhà, trước sự cổ vũ của khán giả, người thân.
Võ sĩ Quàng Thị Thu Nghĩa giành HCV Pencak Silat ở lần đầu tiên tham dự SEA Games - Ảnh: Quang Hùng
Thực sự, SEA Games 31 là kỳ đại hội mà Việt Nam không phải nhờ lợi thế sân nhà để thành công. Như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói trong lễ khai mạc: “Từ chối sự lựa chọn các bộ môn thể thao có lợi thế của nước chủ nhà để thể hiện sự công bằng, ý chí và khát vọng của khu vực Đông Nam Á”.
Điều này một lần nữa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong một buổi trả lời báo chí: “Chúng ta giành thành tích cao không phải vì công tác tổ chức, vì chúng ta là nước chủ nhà nên đưa vào thi đấu các môn có thế mạnh. Ở SEA Games lần này, chúng ta đã đặt ra là thi đấu cơ bản dựa trên các môn Olympic và Asiad Games”.
Không chỉ giành số huy chương cao nhất, SEA Games 31 còn chứng kiến nhiều kỷ lục được các VĐV Việt Nam tạo ra. Theo thống kê, VĐV Việt Nam đã phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung. Điều đáng nói, trong số 205 HCV, có 56% số HCV (116 tấm) mà các VĐV Việt Nam giành được thuộc những môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic.
Cụ thể, môn điền kinh giành được nhiều nhất với 22 HCV, dẫn đầu toàn đoàn. Các môn nằm trong hệ thống của Olympic giành được HCV lần lượt là: vật (17), bơi lội (11), judo (9), taekwondo (9), canoeing (8), bắn súng (7), đấu kiếm (5), xe đạp (4), thể dục dụng cụ (4), boxing (3), cử tạ (3), bóng đá (2), bóng ném (2), bóng bàn (1), tennis (1).
VĐV điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ giành HCV SEA Games ở nội dung 10.000m nữ - Ảnh: Quang Hùng
Tại kỳ Đại hội này, Việt Nam tự hào khi có 2 VĐV nằm trong danh sách 4 người tiêu biểu nhất của SEA Games 31 là Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Oanh. Trong khi kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành 5 HCV, xô đổ 4 kỷ lục SEA Games, thì chân chạy Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công 3 HCV điền kinh, trong đó có 1 lần phá kỷ lục do chính mình thiết lập ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
Ngoài ra, còn có các kỷ lục gia khác như: kình ngư Trần Hưng Nguyên (2 lần phá kỷ lục SEA Games), Phạm Thanh Bảo (bơi), Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), Kim Anh Kiệt (lặn 15.00m surface nam), Cao Thị Duyên (lặn 100m bi fins nữ), Phạm Thị Hồng Thanh (cử tạ dưới 64kg nữ), Lại Gia Thành (cử tạ dưới 55kg nam)…
Tại SEA Games 31, Đoàn thể thao Việt Nam cũng để lại dấu ấn với những tấm HCV đầu tiên như của Nguyễn Linh Na (HCV 7 môn phối hợp sau 17 năm), Nguyễn Đức Tuân (HCV bóng bàn sau 19 năm), Hoàng Nguyên Thanh (HCV marathon nam đầu tiên của thể thao Việt Nam)...
Điểm nhất của những kỷ lục chính là hai tấm HCV của môn bóng đá nam và bóng đá nữ, khẳng định sự tiến bộ, sức mạnh của Thể thao Việt Nam. Đây là tiền đề và động lực để Thể thao Việt Nam hướng đến những mục tiêu xa hơn như Asiad hay Olympic.
Vĩ thanh
Sau 17 ngày tranh tài sôi nổi và hấp dẫn của gần 5.000 vận động viên đến từ 11 quốc gia, SEA Games 31 đã khép lại với nhiều cảm xúc, còn đọng mãi với không chỉ người dân nước chủ nhà Việt Nam, mà còn với các bạn bè khu vực và quốc tế.
Trưởng đoàn thể thao Philippines, ông Ramon Fernandez trong cuộc trả lời truyền thông đã đánh giá cao năng lực tổ chức của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh SEA Games 31 bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Đây chính là tiền đề để Việt Nam đăng cai những sự kiện lớn hơn như ASIAD hay Olympic. Ông khẳng định rằng Việt Nam đã góp phần nâng tầm Đại hội thể thao khu vực. “Nước chủ nhà đã rất cởi mở, nỗ lực tạo ra một cuộc chơi công bằng, qua đó góp phần nâng tầm SEA Games lên”, ông Ramon nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban Thể thao Quốc gia Indonesia, Lukman Djajadikusuma thừa nhận Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện thể thao mà cả khu vực mong đợi. Ông đánh giá cao về các nội dung mà Ban Tổ chức SEA Games 31 đã đảm bảo được như: Các môn Olympic không cắt bớt nội dung, tạo ra sự công bằng, minh bạch nhất có thể trong công tác trọng tài, các môn thi đấu phổ biến…
Tất cả các cuộc thi đấu đều được tổ chức, điều hành công bằng, khách quan và đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao. Tổng thư ký Ủy ban Thể thao Quốc gia Indonesia không quên bày tỏ sự yêu thích thiên nhiên, không khí và sự nồng hậu của người dân Việt Nam. Thậm chí, ông thừa nhận mình là tín đồ của ẩm thực Việt.
Trưởng đoàn Brunei cũng góp thêm vào danh sách những lời khen ngợi dành cho BTC SEA Games 31, với những chia sẻ vô cùng tình cảm trong cuộc chia sẻ ngắn với truyền thông Việt Nam và khẳng định muốn đưa gia đình trở lại thăm Hà Nội.
SEA Games 31 đã kết thúc sau lễ bế mạc nồng ấm tối ngày 23/5, nhưng giải đấu được tổ chức tại Việt Nam sẽ còn được nhắc lại nhiều lần như một bằng chứng hùng hồn về tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, vượt lên tất cả khó khăn, thách thức vì tình yêu thể thao cao thượng. Sự kiện này cũng được kỳ vọng sẽ là sự khởi đầu cho một hành trình mới như thông điệp được thể hiện trong suốt hơn hai tuần tại Việt Nam, “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, một “Đông Nam Á cùng nhau tỏa sáng”. Hẹn gặp lại SEA Games 32 tại Campuchia năm 2023!
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sea-games-31-no-luc-viet-nam-dau-an-viet-nam-post199497.html