SEA Games 31 : 'Nữ hoàng' xuất trận và mưa kỷ lục

Hai môn thể thao Olympic là điền kinh và bơi lội chính thức nhập cuộc và đoàn thể thao chủ nhà lập tức tăng tốc để tách khỏi sự bám đuổi của các đối thủ

Mọi dự báo của giới chuyên môn đã trở thành sự thật khi "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công vị trí số 1 trên đường chạy 1.500 m nữ, nội dung mà cô không có đối thủ đã 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Việc đồng đội Khuất Phương Anh về nhì sau đó khoảng vài giây cũng cho thấy ít nhất trong vài ba kỳ đại hội nữa, điền kinh Việt Nam vẫn chưa có đối thủ xứng tầm ở cự ly này.

Tài năng của nữ tuyển thủ quê Bắc Giang tiếp tục được khẳng định vào buổi chiều khi cô lại ra sân đua tài ở đường chạy 5.000 m. Cùng đua tài với Nguyễn Thị Oanh ở nội dung này còn có Phạm Thị Hồng Lệ, gương mặt quen thuộc trên đường chạy marathon nữ nhưng năm nay đã quyết định chuyển sang thử sức ở các cự ly trung bình.

Tăng tốc ngay sau khi hoàn thành 400 m đầu tiên, bộ đôi Oanh - Lệ thay nhau dẫn đầu tốp đông, bắt vòng lần lượt 4/6 VĐV còn lại trước khi chia nhau 2 vị trí dẫn đầu ở đích đến, mang về cho điền kinh Việt Nam thêm một tấm HCV quý giá trong ngày ra quân. Đây là "cú đúp" huy chương vàng của Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 31 và đã 3 kỳ đại hội liên tiếp cô thực hiện được kỳ tích này, mang về tổng cộng 6 tấm HCV liên tiếp ở 2 cự ly 1.500 m và 5.000 m suốt từ năm 2017 đến nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về SEA Games, trao HCV cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về SEA Games, trao HCV cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Có mặt dự khán buổi thi đấu chiều 14-5 tại sân Mỹ Đình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xuống tận đường chạy để biểu dương Nguyễn Thị Oanh, đồng thời ông cũng được mời trao huy chương cho nữ tuyển thủ tài năng này. Cô dự kiến sẽ còn tham dự cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật vào chiều 15-5 với mục tiêu giành đủ 3 ngôi vô địch như đã đăng ký với đoàn Thể thao Việt Nam.

Thành tích của "nữ hoàng điền kinh" Nguyễn Thị Oanh mới chỉ là một phần trong chuỗi thành tích ấn tượng của các tuyển thủ chủ nhà ở ngày thi đấu chính thức thứ nhì sau khai mạc. Gương mặt trẻ Lương Đức Phước qua mặt hàng loạt đối thủ, gồm cả đàn anh Trần Văn Đảng để giành HCV cự ly 1.500 m; Nguyễn Hoài Văn bảo vệ thành công tấm HCV ném lao; hay ở đường đua xanh, bộ đôi Nguyễn Huy Hoàng (1.500 m tự do) và Phạm Thanh Bảo (100 m ếch) "rủ nhau" bảo vệ thành công tấm HCV giành được 3 năm trước tại Philippines; môn wushu, Dương Thúy Vi cũng kịp giành thêm tấm HCV thương thuật sau khi đã thành công ở bài biểu diễn môn kiếm thuật 1 ngày trước; kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật "vô đối" ở nội dung kiếm 3 cạnh nam...

Nếu bóng ném bãi biển nam sớm vô địch khi đại hội còn chưa mở màn, hay kurash giành 7/10 ngôi vô địch để xếp nhất toàn đoàn, không thể không nhắc đến rowing - môn thể thao đậm chất sông nước đặc trưng vùng nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á. Các nữ tuyển thủ đã cùng nhau ra sức, chinh phục "trọn gói" 8 tấm HCV để bảo đảm ngôi nhất toàn đoàn cho rowing Việt Nam, môn thể thao từng góp mặt ở những đấu trường cao nhất như ASIAD hay Olympic. Những nông dân chân chất quen ruộng vườn, hay các cô gái phải tha hương lập nghiệp, bằng sự khổ luyện và lòng dũng cảm đã vươn tầm thành những ngôi sao thể thao.

Đào Tùng - Trọng Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/nu-hoang-xuat-tran-va-mua-ky-luc-20220514220931429.htm