SEA Games 31 phải là cuộc chơi chất lượng
SEA Games 30 đã kết thúc, dù có những bất cập nhất định nhưng nước chủ nhà Philippines đã hoàn thành trách nhiệm của mình, tổ chức sân chơi chung cho các quốc gia anh em ở Đông Nam Á.
Đây là một kỳ đại hội thành công của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) với 98 HCV, 85 HCB, 103 HCĐ, chỉ sau đoàn nước chủ nhà (tất nhiên!) và qua mặt Thái Lan vốn có nền thể thao rất mạnh trong khu vực. Thành tích của đoàn TTVN vượt chỉ tiêu đề ra gần 20 HCV. Chỉ tính riêng môn điền kinh, TTVN giành tổng cộng 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ, bỏ xa kình địch Thái Lan (12 HCV, 11 HCB, 12 HCĐ) và mặc cho các nước khác cố nhập tịch các VĐV có thành tích cao, Việt Nam vẫn vượt lên.
Đặc biệt, đây là kỳ đại hội mà 2 chiếc HCV quý giá môn bóng đá nam và nữ đều thuộc về chúng ta.
Một kỳ đại hội thành công rực rỡ của đoàn TTVN khi dù không phải là nước chủ nhà vẫn xếp thứ 2 toàn đoàn, với nhiều HCV ở các môn Olympic, ASIAD. Một bảng thành tích thực chất và chất lượng.
Lịch sử SEA Games, các nước Brunei, Việt Nam và Lào mỗi quốc gia đứng ra tổ chức SEA Games 1 lần; Thái Lan và Malaysia mỗi nước đăng cai 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines mỗi nước 4 lần; Myanmar 3 lần.
Và kỳ đại hội tới, đến lượt nước ta lần thứ 2 tổ chức sân chơi cho bạn bè, SEA Games 31-2021. Đó là vinh dự, trách nhiệm của chúng ta với bạn bè khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31-2021 khoảng 17 ngày và Para Games 11 khoảng 11 ngày.
Dự kiến SEA Games 31 có khoảng 16.000 người tham dự, trong đó huấn luyện viên, VĐV, trọng tài 11.000 người; Para Games khoảng 4.000 người, trong đó huấn luyện viên, VĐV, trọng tài khoảng 2.100.
Điều đáng nói là SEA Games 31 sẽ có 36 môn thi đấu, trong đó 2/3 là môn thi đấu chính thức của Olympic, ASIAD. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà TTVN và khu vực muốn hướng tới, để chuyên nghiệp hóa cuộc chơi này. Tất nhiên, một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á phải gồm những môn thể thao có tính chất khu vực để thể hiện bản sắc nhưng phải có tính chuyên nghiệp để hội nhập. Cần tránh hiện tượng quốc gia nào đăng cai thì kết quả cao chót vót, thậm chí nhất toàn đoàn nhưng thiếu thực chất. Ví dụ như SEA Games 2013 ở Myanmar, nước chủ nhà có đến 86 HCV nhưng ở SEA Games 2019 chỉ vỏn vẹn 4 HCV!
Cuộc chơi ở SEA Games cho đến giờ vẫn bị coi là "ao làng", cuộc chơi thành tích khi mà quốc gia nào đăng cai đều trở nên "vô địch" trên bảng tổng sắp huy chương! Điều này gần như mặc nhiên, ai cũng thấy nhưng cứ suy nghĩ rằng chủ nhà đã bỏ ra quá nhiều tiền để tổ chức đại hội thì chuyện đứng đầu bảng tổng sắp cũng… xứng đáng! Nếu cứ suy nghĩ như vậy, thể thao Đông Nam Á khó hội nhập và phát triển.
Hy vọng SEA Games 31-2021, là cuộc chơi mà chất lượng những chiếc huy chương được đặt lên hàng đầu chứ không phải vị trí phù du trên bảng tổng sắp chỉ có tính thắng lợi tinh thần không hơn không kém.