SEA Games 31: Tiến thoái lưỡng nan

Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á (SEA Games) do Việt Nam đăng cai tổ chức vào cuối năm nay đang phải đối diện với nguy cơ hoãn, thậm chí phải hủy do đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Đoàn TTVN tham dự khai mạc tại SEA Games 30 tại Philippines.

Đoàn TTVN tham dự khai mạc tại SEA Games 30 tại Philippines.

Hoãn hay hủy?

Một trong những vấn đề nan giải đồng thời cũng là thách thức lớn nhất chính là điều kiện tập luyện của VĐV Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.

Do dịch bệnh, các hoạt động giãn cách xã hội được thực thi khiến cho nhiều đội tuyển không được thi đấu cọ xát hoặc không thể đảm bảo được quá trình tập luyện xuyên suốt dẫn tới chuyên môn bị ảnh hưởng, không đạt được phong độ cao. Từ đó dẫn đến chất lượng của sân chơi thể thao khu vực khó có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả cũng như các nhà tài trợ.

Đặc biệt, quá trình chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam đang có dấu hiệu chậm tiến độ. Hiện tại, mọi nguồn lực xã hội đang tập trung cho các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe người dân mùa dịch. Do vậy, BTC SEA Games 31 nhiều khả năng không thể đáp ứng điều kiện y tế trong hoàn cảnh đại dịch

Covid-19 cho sự kiện lên đến hàng chục nghìn người thuộc các đoàn thể thao ở Đông Nam Á, hệ thống trọng tài, giám sát và quan chức cấp cao… Việc kiểm soát như thế nào, cách ly ra sao, đến giờ vẫn đang chưa có hướng dẫn cụ thể. Các VĐV, HLV, đặc biệt đội ngũ phóng viên báo, đài đến Việt Nam có phải cách ly y tế theo quy định?

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết, hiện nay công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều kế hoạch bị chậm tiến độ.

Quan điểm của ban tổ chức là SEA Games chỉ có thể diễn ra trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Sức khỏe của VĐV, HLV và những người tham gia sự kiện được đặt lên hàng đầu. BTC sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, báo cáo cấp trên để có phương án giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Thời điểm hiện tại, các đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đang tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31 tại các trung tâm huấn luyện quốc gia. Các tuyển thủ, HLV đều tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Việc xin triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn diễn ra theo kế hoạch. Mặc dù vậy, ngành Thể thao chỉ có thể tiến hành chuẩn bị các hạng mục trong phạm vi và điều kiện cho phép.

Cái khó là Hà Nội và các địa phương đăng cai SEA Games 31 cũng đang ưu tiên công tác phòng, chống dịch.

Thời gian qua, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã gửi công văn đến Việt Nam mong muốn cập nhật và nắm bắt thông tin về các phương án cách ly y tế cũng như bảo đảm an toàn khi các VĐV và đoàn thể thao tới Việt Nam. Tuy vậy, BTC vẫn chưa thể hồi đáp ngay lập tức vì còn chờ phản hồi từ phía Bộ Y tế, Chính phủ.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở các nước tại Đông Nam Á cũng gặp khá nhiều khó khăn nên việc nhập cảnh vào Việt Nam sắp tới không phải đơn giản.

“Đến giờ tiểu ban Y tế của đại hội vẫn chưa có cuộc làm việc nào, việc đưa ra các phương án phòng chống dịch Covid-19 với số lượng hàng chục nghìn người là rất khó”, một lãnh đạo Tổng cục TDTT thừa nhận.

Được biết, theo nhận định của những người trong cuộc, việc tổ chức SEA Games 31 trong năm 2021 là nhiệm vụ khó khả thi. Tổng cục TDTT cũng đã tư vấn và nêu quan điểm với Bộ VH TTDL về tình hình hiện nay. Cụ thể, về chuyên môn, VĐV các quốc gia trong khu vực không được tập luyện nhiều, nên thi đấu khó đạt thành tích. Về mục đích quảng bá cũng khó đạt được kết quả như mong muốn, điều đó dẫn đến khó khăn trong thu hút tài trợ và quảng cáo.

“Chúng ta chưa thể biết có thể tổ chức SEA Games vào tháng 3 hay tháng 6 năm 2022, bởi lúc đó các quốc gia trong khu vực liệu đã được tiêm vắc xin khoảng 60-70% dân số để miễn dịch cộng đồng hay chưa.

Cuối năm 2022, Việt Nam lại tổ chức đại hội TDTT toàn quốc, trong khi Campuchia đăng cai SEA Games 32 tổ chức tháng 5/2023. Hiện tại BTC SEA Games vẫn chờ ý kiến chỉ đạo, chứ chưa dám khẳng định đại hội hoãn hay hủy, hoặc hoãn đến khi nào. Tổng cục TDTT cũng mới chỉ đưa ra những khó khăn, trong đó bài toán lớn nhất là việc kiểm soát dịch bệnh”, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay.

Tuyển thủ điền kinh Lê Tú Chinh (giữa) tranh tài tại SEA Games 30.

Tuyển thủ điền kinh Lê Tú Chinh (giữa) tranh tài tại SEA Games 30.

Không bị động nhưng khó

Trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng cục TDTT vào cuối tháng 5 vừa qua, ngành Thể thao nêu rõ do dịch bệnh tái bùng phát, các hoạt động thể thao thành tích cao trong 5 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị lực lượng cho các cuộc thi đấu tại vòng loại Olympic.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước đã đặt ra những thách thức lớn. Hiện nay, Tiểu ban khai mạc - bế mạc chưa thành lập, việc triển khai các công việc thường xuyên, gặp phải rất nhiều khó khăn.

Vào cuối năm 2020, Tổng cục TDTT đã đưa ra các phương án liên quan đại hội. Trong đó, có phương án tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 có thể phải áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế, thậm chí biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh từ quốc gia còn có dịch.

Đặc biệt, Tổng cục TDTT cũng lên phương án xấu nhất, nếu dịch Covid-19 chậm được kiểm soát; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số quốc gia Đông Nam Á, dẫn tới khả năng một số đoàn thể thao các nước không thể tham dự SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 và dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam, dẫn tới nguy cơ hoãn hoặc thậm chí hủy tổ chức SEA Games 31.

Tính đến thời điểm này, Thái Lan tạm đăng ký sơ bộ sẽ dự khoảng 1.000 thành viên, các đoàn khác dao động từ 500 - 700 người, có đoàn chưa đăng ký. Nếu chỉ các VĐV được tiêm vắc xin phòng Covid-19, vậy các chuyên gia, người phục vụ đại hội, quan chức quốc tế có được các nước tiêm không? Nếu không thì Việt Nam kiểm soát khâu an toàn y tế như thế nào?

Dự kiến ngày 15/6, Hội nghị trưởng đoàn các nước tham dự SEA Games sẽ được Việt Nam tổ chức trực tuyến. Ngành thể thao sẽ phải lắng nghe quan điểm của các nước về đại hội. Từ đó BTC mới xem xét để đưa ra những đề xuất phù hợp với tình hình thực tế, trước khi báo cáo lên Ban Chỉ đạo quốc gia về đăng cai SEA Games 31.

Khu vực khán đài của sân vận động Mỹ Đình đang được sửa chữa, nâng cấp.

Khu vực khán đài của sân vận động Mỹ Đình đang được sửa chữa, nâng cấp.

Bên cạnh đó, theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, kinh phí dự kiến vào khoảng 1.610,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tổ chức SEA Games 31 là 980,307 tỉ đồng (khoảng 43 triệu USD), còn Para Games 11 là 299,107 tỉ đồng (khoảng 13 triệu USD).

Kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao do Bộ VHTTDL quản lý là 602,3 tỷ đồng. Về nguồn thu, BTC dự kiến thu khoảng 226,6 tỷ đồng từ việc tổ chức SEA Games 31. Trong đó, thu ăn ở của các đoàn tham dự Đại hội khoảng 136,6 tỷ đồng; Thu hoạt động tài trợ, quảng cáo khoảng 25 tỷ đồng; Thu khai thác bản quyền truyền hình quốc tế khoảng 50 tỷ đồng; Thu khai thác bản quyền truyền hình trong nước khoảng 15 tỷ đồng.

Đây được xem là con số khá khiêm tốn, nếu so với năm 2003 Việt Nam đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng (khoảng 250 triệu USD), trong đó 1.000 tỉ đồng cho việc xây sân Mỹ Đình, 240 tỉ đồng đồng xây cung thể thao dưới nước.

Trong khi đó, các quốc gia khác cũng chi ra những con số khổng lồ cho SEA Games theo con số tăng theo các kỳ: Năm 2005, Philippines chi 178 triệu USD, năm 2011 Indonesia chi 232 triệu USD, năm 2015

Singapore tiêu 244 triệu USD và khủng nhất là SEA Games năm 2013 ở Myanmar lên tới… 400 triệu USD. Gần nhất, để tổ chức thành công SEA Games 2019 đã lấy đi của Philippines tổng kinh phí 315 triệu USD.

Bà Lê Hoàng Yến, Tổng cục Phó Tổng cục TDTT cho biết: “SEA Games 31 được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm và hiệu quả, song phải đảm bảo phục vụ chu đáo các đối tượng tham dự đại hội, thuận tiện cho công tác điều hành của Ban tổ chức Đại hội và hoạt động của các đoàn. Phần lớn các công trình đều sửa chữa, nâng cấp. Duy nhất có một công trình xây mới là cụm sân quần vợt với quy mô nhỏ tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội (UBND TP Hà Nội phụ trách) bởi trên cả nước hiện nay không có một cụm sân quần vợt nào có đủ từ sáu sân trở lên với thiết kế hiện đại để phục vụ một giải đấu lớn như SEA Games”.

Vào đầu tháng 6/2021, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BTC về quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 - 2021 tại Việt Nam. Trong đó, Thông tư cũng quy định về chi phòng chống dịch bệnh, bao gồm: Chi mua thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nước sát khuẩn, khẩu trang, trang bị phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chi phí xét nghiệm, sàng lọc SARS-CoV-2… Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2021.

Nhưng thực tế cho đến thời điểm hiện tại, hàng loạt công tác chuẩn bị đang bị đình trệ do không có kinh phí. Tất cả dự án đấu thầu mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu hay dự án công nghệ thông tin, kể cả sửa chữa, nâng cấp các địa điểm thi đấu của các địa phương đều chưa thể được khởi động hoặc tạm hoãn vì chưa có tiền.

Số phận SEA Games 31 mong manh hơn bao giờ hết!

Theo như kế hoạch, SEA Games 31 sẽ được tổ chức từ ngày 21/11 đến 2/12 với 40 môn thể thao và 526 nội dung. Điền kinh là môn thể thao có nhiều nội dung thi đấu nhất tại Đại hội (47 nội dung), tiếp đó là môn Bơi với 40 nội dung thi đấu,... Hà Nội là nơi đăng cai chính, cùng 11 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Phú Thọ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/sea-games-31-tien-thoai-luong-nan-MEdcgSgng.html