Sea Games 31 với mục tiêu kép

Dự thảo ngân sách trình Chính phủ để chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 - 2021 tại Hà Nội vừa được cắt giảm từ 1.900 tỷ xuống còn hơn 1.000 tỷ cho cả 2 sự kiện SEA Games và Para Games (dành cho người khuyết tật).

Con số này chỉ bằng 1/3 so với các SEA Games gần đây do Philippines (2019), Singapore (2015) đăng cai tổ chức. Tất nhiên khi giảm chi phí, dù chỉ mới là phần tính toán lý thuyết, sẽ có không ít nghi ngại về chất lượng của kỳ SEA Games mà sau 18 năm (tính từ năm 2003), Việt Nam mới đăng cai trở lại.

Nghi ngại đầu tiên là khả năng kiểm soát chi phí phát sinh. Các kỳ SEA Games, hay thậm chí là những đại hội thể thao tầm vóc châu Á, Olympic luôn có sự khác nhau giữa thực chi và dự toán. Chênh lệch có thể đến từ lý do lạm phát, các công trình xây dựng bị đội giá hoặc chi phí cho truyền thông, an ninh tăng đột biến vì các nguyên nhân không lường trước ngay thời điểm tổ chức. Theo ước tính, bình quân phần phát sinh luôn tăng 30% - 50% so với dự toán.

Kế đến, đó là yếu tố hình ảnh. Khi đăng cai một sự kiện thể thao lớn, chi phí tổ chức luôn đi kèm hiệu quả đầu tư. Sự kiện càng lớn thì khâu tiếp thị, truyền thông lại cần được khuếch trương. Với một ngân sách vừa đủ cho khâu tổ chức, chắc chắn yếu tố quảng bá hình ảnh đất nước nhân dịp SEA Games cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng thu hẹp. Cuối cùng, khi ngân sách tổ chức càng nhỏ thì khả năng xây dựng mới các công trình hay đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại với số lượng lớn cũng sẽ không còn nhiều.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Việt Nam có lý do để tổ chức một kỳ SEA Games có ngân sách vừa đủ. Trước hết, ngân sách 1.000 tỷ dự toán là chưa bao gồm khoảng hơn 600 tỷ dành cho việc nâng cấp, tu sửa các công trình cũ. Như đã biết, ở lần đầu tiên đăng cai SEA Games vào năm 2003, toàn bộ công trình đều được xây mới với thiết kế cho hơn 50 năm sử dụng. Sau 18 năm, xét về quy mô tăng dân số cũng như sự phát triển của thể thao Việt Nam, giá trị sử dụng của các công trình ấy vẫn còn nguyên nếu không nói là chưa khai thác được tối đa công suất. Sân cỏ và đường chạy điền kinh ở Mỹ Đình chỉ sử dụng không quá 10 sự kiện thể thao mỗi năm. Cung thể thao dưới nước, Khu thi đấu trong nhà ở Mỹ Đình hay Nhà thi đấu Phú Thọ tại TPHCM cũng trong tình trạng như vậy. Trong khi đó, một số địa phương xung quanh địa điểm đăng cai chính là Hà Nội đều đã xây dựng mới nhiều công trình thể thao trong thời gian qua nên có thể nói là không thiếu cơ sở vật chất. Theo quy luật chung, các công trình được xây mới cho một kỳ SEA Games sẽ được tái sử dụng ít nhất 1 lần trước khi xây mới, theo chu kỳ khoảng 30 - 35 năm. Ví dụ như SEA Games 2005, Philippines sử dụng lại công trình của kỳ SEA Games 1991 và phải đến đại hội lần thứ 30 vừa qua họ mới xây Khu liên hợp Clark City hoàn toàn mới.

Nhưng lý do quan trọng nhất để Việt Nam tiên phong trong việc tổ chức SEA Games tiết kiệm đó là mục tiêu đưa sự kiện thể thao này về “giá trị thật sự”. Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đang khuyến khích Thái Lan và Việt Nam mạnh tay hơn trong việc cắt giảm số môn thi đấu phong trào, tăng nội dung thi đấu Olympic và chú trọng hơn vào công tác chuyên môn. Việc cắt giảm dự toán vừa qua cũng dựa trên tinh thần sẽ giảm tối đa các môn thi đấu “lạ”. Với vị thế của đoàn thể thao hàng đầu khu vực, về lý thuyết, Việt Nam không cần đưa các môn ít phổ biến vào chương trình thi đấu, ngoại trừ đề nghị từ các đoàn khác. Nếu chỉ thi đấu các môn cơ bản, Olympic thì khả năng giữ ngôi đầu của Việt Nam càng cao.

Chính vì thế, SEA Games 31 được hy vọng sẽ đạt được “mục tiêu kép”, đó là không gây áp lực ngân sách cho Chính phủ mà vẫn bảo đảm mong muốn của những nhà quản lý thể thao khu vực.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sea-games-31-voi-muc-tieu-kep-646886.html