SEA Games 33: Thử tài ông Kim Sang-sik và nội lực bóng đá Việt
Việc chủ nhà SEA Games 33 là Thái Lan hạn chế sử dụng cầu thủ độ tuổi U22 ở môn bóng đá nam sẽ buộc các nước, gồm Việt Nam, phải tập trung nhiều hơn cho việc đào tạo, phát triển cầu thủ trẻ. Đây là bước đi nên được ủng hộ, thay vì 'thuyết âm mưu' cho rằng chủ nhà Thái Lan muốn ngăn Việt Nam tranh thủ tài năng của tiền đạo Nguyễn Xuân Son cho SEA Games 33.
Trên thực tế SEA Games 32 tại Campuchia đã không sử dụng cầu thủ quá tuổi theo công thức U22+3. Đội tuyển U22 Việt Nam khi đó dưới sự dẫn dắt của HLV Philippe Troussier chỉ giành HCĐ sau 2 kỳ liên tiếp lên đỉnh vinh quang. Như vậy khó có thể nói riêng chủ nhà Thái Lan đưa ra quy định trên.
Ngoài ra từ sớm hơn, môn bóng đá nam tại các kỳ đại hội khu vực chỉ sử dụng cầu thủ U23, không gồm các cầu thủ lớn tuổi hơn thuộc biên chế ĐTQG. Hai kỳ SEA Games 30 và 31, đội tuyển U22 Việt Nam thời ông Park Hang-seo đều giành HCV. Tuy nhiên cần thừa nhận cả 2 lần này, đội tuyển U22 Việt Nam đều tận dụng tốt ưu thế cầu thủ quá tuổi so với các đối thủ trong khu vực.
Quy định của Thái Lan tại SEA Games 33 sẽ buộc các quốc gia gồm Việt Nam cần lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo hơn cho đội tuyển U22. Điều này cũng góp phần để các nước tập trung nhiều hơn cho việc đào tạo, phát triển cầu thủ trẻ. Trong bối cảnh các nước ở Đông Nam Á đều có xu hướng “đốt cháy giai đoạn” bằng việc sử dụng cầu thủ nhập tịch, đây là bước đi cần thiết để cân bằng giữa ngoại lực và phát huy nội lực.
Đó cũng là dịp để đo lường khả năng thích ứng với tình hình mới của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), cũng như tài cầm quân của HLV Kim Sang-sik. Dù đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024, nhà cầm quân Hàn Quốc trên thực tế chưa nhận được nhiều sự đánh giá cao ở khía cạnh xây dựng lối chơi cho đội tuyển Việt Nam. Chức vô địch ASEAN Cup 2024 có sự đóng góp mang tính quyết định từ tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son, có thể nói lại đến từ nước cờ khéo léo của VFF.