SEA Games thân thiện với môi trường
Theo khảo sát của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới với hàng trăm nghìn tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày lượng rác nhựa thải ra môi trường là khoảng 2.500 tấn.
Cũng theo một nghiên cứu gần đây của WWF tại Việt Nam, sử dụng nhựa dùng một lần là hành vi rất phổ biến. Mặc dù mức độ nhận thức của người dân về tác hại của rác nhựa đã được nâng cao đáng kể trong thời gian qua, nhưng thói quen sử dụng nhựa dùng một lần chưa có dấu hiệu suy giảm.
Từ những con số và thông tin đáng lo trên, Ban tổ chức SEA Games 31 mong mỏi SEA Games lần này không chỉ là một kỳ đại hội thể thao công bằng, fair-play mà còn là một kỳ đại hội xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Đúng như khẩu hiệu của SEA Games 31 “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, mỗi tổ chức, lực lượng, cá nhân tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò cũng như khả năng đóng góp của mình trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Mục tiêu thay đổi hiện trạng ô nhiễm rác nhựa và tạo ra xu hướng giảm sử dụng nhựa trong sinh hoạt hằng ngày có thể được bắt đầu từ chính mỗi vận động viên, cổ động viên, tình nguyện viên, doanh nghiệp cung ứng..., từ đó thúc đẩy các thói quen sử dụng và thải bỏ đối với sản phẩm nhựa trong xã hội theo nguyên tắc 4T: Từ chối-Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, văn phòng WWF tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức SEA Games 31 triển khai xây dựng hướng dẫn hành trình về giảm nhựa (tự nguyện) trong sinh hoạt và quá trình tham gia sự kiện thể thao; trang bị thùng rác phân loại; băng rôn, khẩu hiệu sử dụng chất liệu vải canvas.
Tại các hội nghị Trưởng đoàn thể thao SEA Games 31, kỳ vọng về một kỳ đại hội xanh-sạch-đẹp của chủ nhà Việt Nam được bạn bè khu vực và quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ. Hiện nay, Đông Nam Á nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm rác nhựa do tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Đây là tầng lớp tiêu dùng có tốc độ sử dụng các sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do tính tiện lợi và linh hoạt. Tính trung bình, ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nhựa có thể thu hồi và tái chế chiếm không nhiều, gây ra tình trạng rác thải bao bì nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Cũng có một bộ phận người tiêu dùng mong muốn hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng người bán mặc định cung cấp sẵn. Ngược lại, nhiều người bán muốn hạn chế túi nilon, ống hút, thìa, dĩa nhựa nhưng lo ngại khách hàng sẽ không hài lòng về dịch vụ. Chừng nào thói quen sử dụng nhựa dùng một lần vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ ràng thì khả năng thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng nhằm phòng, chống ô nhiễm nhựa trong xã hội còn bị hạn chế. Do đó, văn phòng WWF tại Việt Nam còn mong muốn lan tỏa thông điệp tới các trưởng đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 về vấn đề ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Theo đó, thông điệp “Eco Sport”-con người sống và thi đấu thể thao hài hòa với thiên nhiên sẽ được lan tỏa rộng khắp tại sự kiện thể thao lớn nhất khu vực; để cộng đồng cùng chung tay góp sức vì một Đông Nam Á lành mạnh, tươi đẹp hơn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/sea-games-than-thien-voi-moi-truong-693020