Séc đối mặt với nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU
Từ ngày 1/7, Cộng hòa Séc lần thứ 2 đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ 6 tháng, sau lần đầu tiên vào năm 2009.
Theo giới quan sát, nhiệm kỳ của Séc nằm trong “bộ ba nhiệm kỳ” Chủ tịch Hội đồng EU. Cụ thể, Pháp đảm nhận trong 6 tháng đầu năm 2022, Séc đảm nhận trong 6 tháng cuối năm 2022 và Thụy Điển đảm nhận trong 6 tháng đầu năm 2023. Ba quốc gia này đã đạt được sự thống nhất hợp tác vào cuối năm ngoái để triển khai lộ trình này. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Pháp đã tập trung vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và hệ sinh thái của châu Âu, đồng thời tăng cường sự hiện diện của EU với tư cách là một tổ chức có chủ quyền trên trường quốc tế.
Kết quả tương đối tích cực của Pháp đã giúp tạo ra “bàn đạp” hữu hiệu cho Séc tiếp tục thực hiện lộ trình của bộ ba nhiệm kỳ. Song, bối cảnh châu lục hiện nay với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen đặt ra nhiều lo ngại cho Séc.
Theo giới học giả chính trị châu Âu, điều quan trọng nhất là duy trì sự thống nhất của EU bất chấp các cuộc khủng hoảng hiện hữu và các nguy cơ khủng hoảng tiềm ẩn liên quan đến nguồn cung năng lượng, lạm phát tăng cao và sự bất mãn ngày càng tăng của người dân. Trong đó, vấn đề dễ thấy nhất hiện nay là: Đảm bảo an ninh và hòa bình trên lục địa; chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số; giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trước mắt, hướng tới sự bền vững, lâu dài. Đây cũng là những ưu tiên chính của Séc trong nhiệm kỳ.
Ưu thế và bất lợi của Séc để dẫn dắt EU đang là những chủ đề được bàn luận sâu rộng. Tờ báo Thụy Sĩ Neue Zurcher Zeitung nhận định, Séc có thể hưởng lợi từ vị trí địa lý và chính trị của mình và đóng vai trò hòa giải công bằng trong các cuộc đàm phán phức tạp, chủ yếu nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp trong Nhóm Visegrad, bao gồm Hungary, Ba Lan và Slovakia. Trên thực tế lâu nay, các nhà ngoại giao của Séc thường nhận được sự tôn trọng khá cao trong EU.
Tờ Der Standard của Áo cho rằng, vấn đề khác biệt và “khó khăn” của nhiệm kỳ này là phản ứng của EU đối với các cuộc khủng hoảng đan xen. Đặc biệt là vấn đề tị nạn khi Séc vốn là quốc gia chống lại hạn ngạch di cư bắt buộc mà EU cố gắng thực thi sau cuộc khủng hoảng tị nạn vào năm 2015. Về kinh tế, tờ báo này nhìn nhận, Séc gặp không ít khó khăn trong bối cảnh hiện nay với mức lạm phát 15,2% và đối diện với sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng do chi phí sinh hoạt cao và sự mệt mỏi vì các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Séc cũng sẽ được hưởng lợi trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp của châu Âu trong lĩnh vực chính sách năng lượng, điển hình như hình thức mua chung dầu và khí đốt.
Nhà khoa học chính trị người Séc Jiri Pehe cho rằng, Séc lâu nay được nhìn nhận là quốc gia không nổi bật về sự đoàn kết với phần còn lại của châu Âu và cũng không thuộc khu vực đồng euro, đây sẽ là những điểm bất lợi cho việc dẫn dắt EU của Séc trong nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm khi khó có thể đại diện cho các quốc gia sử dụng đồng euro.
Tờ Le Monde (Pháp) đánh giá, nhiệm kỳ của Séc về lý thuyết sẽ tiếp nối các sách lược trong nhiệm kỳ của Pháp, tuy nhiên, giữa Séc và Pháp tồn tại những khác biệt tương đối lớn từ thực lực kinh tế cho tới quan điểm, lập trường. Đặc biệt, tờ Dennik của Séc bày tỏ sự nghi ngại về hiệu lực lãnh đạo của Séc, khi nhiều bộ trưởng trong nội các Séc không thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong khi sẽ là những nhân vật chủ chốt điều phối các chương trình quốc tế của khu vực.
Giới học giả cùng chung nhận định, dù vẫn còn nhiều nghi ngại về khả năng dẫn dắt EU, song, ở góc độ tích cực, việc hoạch định sách lược của Séc trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU được đánh giá tổng thể là phù hợp với thực tiễn. Đây sẽ là khởi đầu tốt để Séc triển khai những bước đi cụ thể hiện thực hóa các kỳ vọng của châu lục.