Séc: EVFTA có vai trò lớn trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế Séc nhận định EVFTA sẽ mang lại cơ hội to lớn để Việt Nam và Séc thúc đẩy việc mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Mới đây, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu (EC) ký với Việt Nam vào cuối tháng Sáu tại Hà Nội.
Dư luận Séc nói riêng và EU nói chung đều ủng hộ việc sớm ký kết và phê chuẩn hai hiệp định này, góp phần tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam với EU, trong đó có Cộng hòa Séc. Các chuyên gia kinh tế Séc nhận định EVFTA sẽ mang lại cơ hội to lớn để Việt Nam và Séc thúc đẩy việc mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Bà Lucie Vondráčková, Cục trưởng Cục Chính sách thương mại và Các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương Séc, EVFTA mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với Việt Nam và EU.
Một trong những lợi ích lớn nhất của EVFTA là việc xóa bỏ 99% các loại thuế quan giúp tiết kiệm chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các nhà nhập khẩu của Việt Nam, Séc và EU. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Séc xuất khẩu hàng hóa trong các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh như công nghiệp dệt may, thủy tinh, ôtô, cơ khí, kỹ thuật điện tử, thực phẩm và hóa chất.
Ngoài ra, EVFTA còn giúp các doanh nghiệp Séc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và có điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường đối với các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ về du lịch, tài chính, môi trường, phân phối điện, khí đốt…
EVFTA không chỉ bao quát các vấn đề kinh tế mà còn mở ra chương mới về sự phát triển bền vững trong đó đề ra tiêu chuẩn cao gắn với việc bảo vệ môi trường, quyền của người lao động và người tiêu dùng. Liên quan tới vấn đề này, điều đáng hoan nghênh là Việt Nam đã có kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện việc chấp hành các quy định ràng buộc của FTA, trong đó có cam kết quản lý bền vững nghề cá.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU) để đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Việt Nam đã tiến hành xây dựng luật nhằm xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp IUU.
Cũng theo bà Lucie Vondráčková, việc EU ký FTA với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung sẽ giúp hiện thực hóa chính sách ưu tiên của EU trong việc tiếp cận thị trường ASEAN vì ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Đặc biệt, EVFTA là hình mẫu lý tưởng của hiệp định thương mại tự do mà EU đàm phán ký kết với một nước đang phát triển và có thể là hình mẫu cho việc đàm phán FTA giữa EU với các nước ASEAN khác như Indonesia.
Trong khi đó, ông Bořivoj Minář, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc cho rằng thời gian tới, Việt Nam và Séc có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại trong bối cảnh EVFTA đang chuẩn bị được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực hiện. EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và giữa Việt Nam với Séc nói riêng.
Là thành viên của EU và có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam, Séc có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia. Các doanh nghiệp Séc có thể hỗ trợ chia sẻ tri thức và công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm của mình.
Cùng chung quan điểm này, ông Jan Petr Roman, Vụ trưởng Vụ châu Á và Chính sách thương mại Bộ Nông nghiệp Séc nhận định EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Séc nói riêng, cũng như EU nói chung tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả, cải thiện thể chế và gia tăng dòng chảy thương mại kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hợp tác song phương giữa Việt Nam và Séc. EVFTA mang lại giá trị to lớn cũng như đặt ra yêu cầu tuân thủ cam kết các tiêu chuẩn và quy định của EU đối với Việt Nam.
EU nói chung và Séc nói riêng đều chủ trương thúc đẩy tự hóa hóa thương mại đa phương vì EU được hình thành và phát triển trên cơ sở liên kết và tự do hóa thương mại. Tại các cuộc gặp gỡ trong chuyến thăm chính thức Séc hồi tháng Tư vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo cấp cao của Séc cũng ủng hộ việc sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA và EVIPA.
Thủ tướng Séc Andrej Babiš nhấn mạnh là người bạn thân thiết của Việt Nam, đồng thời là thành viên tích cực của EU, Séc ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký kết EVFTA và EVIPA./.